Chứng rụng tóc và ứng dụng của dược mỹ phẩm

Chứng rụng tóc và ứng dụng của dược mỹ phẩm

Bình thường tóc chúng ta không ngừng được tái tạo và chết đi theo chu kỳ tự nhiên. Các tình trạng không mong muốn như rụng tóc nhiều, tóc khô, mái tóc mờ xỉn… xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài bản chất của màng bảo vệ tự nhiên ở da đầu mỏng manh, nhạy cảm, dễ bị mất cân bằng hoặc bị kích ứng do nhiều tác động của môi trường bên ngoài như thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ thay đổi đột ngột… các tình trạng ảnh hưởng xấu đến tóc có thể còn do các nguyên nhân từ bên trong cơ thể như cuộc sống căng thẳng (stress), di truyền hoặc ngay cả các thói quen như chà xát mạnh da đầu thái quá, lạm dụng máy sấy tóc hoặc sử dụng dầu gội đầu chứa nhiều chất tẩy rửa, dùng thuốc uốn nhuộm tóc không phù hợp.

Chứng rụng tóc và ứng dụng của dược mỹ phẩm ảnh 1

Có thể xem là có hiện tượng rụng tóc khi tóc rụng mỗi ngày trên 100 sợi hoặc tóc bị rụng cả nắm khi chúng ta gội đầu hoặc tóc rơi nhiều trên gối, lâu ngày mái tóc sẽ thưa dần dẫn đến tình trạng hói đầu hoặc trọc. Có 2 loại rụng tóc mãn tính và rụng tóc phản ứng.

Nam giới thường gặp kiểu rụng tóc mãn tính hơn là nữ giới, thuờng là do di truyền, lúc đó tóc bị suy yếu và rụng. Nữ giới thường gặp kiểu rụng tóc phản ứng hay còn gọi là rụng tóc theo mùa do nhiều nguyên nhân như lo âu, mất ngủ, stress, môi trường sinh hoạt ô nhiễm, ăn uống kiêng cử không đủ chất dinh dưỡng hoặc đang trong thời kỳ thai nghén, tiền mãn kinh hoặc có khi chỉ bị rụng tóc theo mùa trong năm.

Các sản phẩm được xem là dược mỹ phẩm dùng cho tóc đều có sự nghiên cứu nghiêm túc về thành phần công thức của các chất chính được sử dụng đi từ nguồn gốc hóa chất tổng hợp hoặc hiện nay có xu hướng chiết xuất từ các loại cây cỏ thiên nhiên, đặc biệt nhà sản xuất quan tâm ngay cả về các chất phụ được dùng như các loại tá dược. Các dược mỹ phẩm ứng dụng cho da, tóc đều được thử nghiệm trên người để đánh giá tính an toàn, hiệu quả khi thường được dùng trong thời gian dài.

Các hoạt chất thường dùng trong các loại dược mỹ phẩm dùng cho tóc không phải nhằm mục đích để trị liệu như các dược phẩm nhưng thường để giúp khôi phục lại tình trạng mất cân bằng của da đầu, kích thích phát triển các vi khuẩn có lợi đồng thời tiêu diệt các vi khuẩn có hại trên da đầu, làm dịu da, giảm kích ứng da đầu, kích thích sự mọc tóc, chống lão hóa chân tóc… Các sản phẩm trên thường được sử dụng dưới các dạng như dầu gội đầu, gel, dung dịch, kem qua sự hướng dẫn, tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia về lĩnh vực này.

Ngoài ra, do tính chất, yêu cầu sử dụng cao hơn so với các loại mỹ phẩm thông thường, chúng ta có thể nhận biết và phân biệt được các dược mỹ phẩm là nhờ vào số đăng ký với cơ quan y tế, có thời hạn sử dụng được ghi trên chai lọ và thường được bày bán, bảo quản nơi mát tại các nhà thuốc tây hoặc trong các cửa hàng có chuyên viên tư vấn.

Cùng với việc sử dụng dược mỹ phẩm, các hình thức hỗ trợ khác như quan tâm đến lối sống, luyện tập thể lực, bồi dưỡng cơ thể qua việc cân bằng trong chế độ ăn uống, dùng dược phẩm bổ sung cũng rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng mái tóc được khỏe đẹp. 

PGS.TS. Trương Văn Tuấn
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Tin cùng chuyên mục