Hưởng ứng Ngày quốc tế hàng năm (ngày 26-6) về phòng, chống lạm dụng ma túy của Liên hiệp quốc, Việt Nam cũng chọn ngày này là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” trong đợt cao điểm Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2013. Cuộc chiến phòng, chống ma túy ở Việt Nam cũng như thế giới luôn luôn nóng bỏng và không ngừng gia tăng tính chất phức tạp. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh này ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và ý thức tự giác của mỗi gia đình.
Nhiều năm qua, nhờ những nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, số đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy được các lực lượng chức năng TPHCM triệt phá ngày càng nhiều hơn với quy mô ngày càng lớn hơn. Những tụ điểm phức tạp, nhức nhối về buôn bán và sử dụng ma túy tồn tại lâu nay đã bị triệt xóa, nhiều người nghiện chữa khỏi bệnh và tiếp tục lao động, làm việc, qua đó góp phần tạo môi trường lành mạnh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Gần đây, TPHCM triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, TPHCM đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 kéo giảm 15% số người nghiện và giảm 10% người tái nghiện so với năm 2011; năm 2020 giải quyết cơ bản các tụ điểm phức tạp về ma túy, giảm 35% số người nghiện và 15% số người tái nghiện ma túy.
Với mục tiêu vì một xã hội không có ma túy, từ đầu năm đến nay, TPHCM tập trung tuyên truyền phòng chống ma túy, tăng cường nhiều biện pháp phối hợp, kịp thời phát hiện, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng ma túy. Các lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện và xử lý hơn 700 vụ án ma túy, bắt hơn 1.500 đối tượng, thu giữ 15,241kg heroin, 12,745kg ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí và phương tiện gây án khác. Nhưng càng trấn áp mạnh, tội phạm ma túy càng tìm mọi cách đối phó. Sự len lỏi tinh vi của ma túy tổng hợp, thuốc lắc, cần sa đi cùng với thói đua đòi, ăn chơi đã làm một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu sự quan tâm quản lý, giáo dục của gia đình bị sa ngã. Đáng chú ý là độ tuổi phạm tội liên quan đến các tội phạm về ma túy ngày càng trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào những tội danh như tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy…
Để ngăn chặn hiểm họa ma túy, điều quan trọng là các biện pháp phòng ngừa ma túy ngay từ cộng đồng và từng gia đình. Trong mỗi gia đình, các bậc cha mẹ cần dành thời gian chăm sóc, giáo dục con cái, phối hợp cùng nhà trường và xã hội quyết chặn đứng và loại trừ tận gốc tệ nạn ma túy. Công tác tuyên truyền sâu sát theo cách “vào từng ngõ, gõ từng nhà” gắn với cuộc vận động xây dựng phường, xã lành mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động, phòng chống, trước hết tập trung vào đối tượng nghiện và những gia đình có người nghiện ma túy tự giác khai báo và đăng ký thực hiện cai nghiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới, môi trường xã hội lành mạnh, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; giúp người cai nghiện đảm bảo cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Các địa bàn trọng điểm cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh người nghiện mới, tiến tới “Xây dựng phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học không có ma túy”. Lực lượng chức năng cần triệt phá, xóa bỏ tận gốc các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường quản lý các loại dược phẩm gây nghiện, kiểm soát chặt chẽ các tiền chất nhằm ngăn chặn việc sản xuất trái phép các chất ma túy; truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án ma túy…
“Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” năm nay một lần nữa nhắc nhở mọi người đừng bao giờ mất cảnh giác với hiểm họa ma túy, kiên quyết đấu tranh để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an toàn, vì tương lai của mỗi gia đình và các thế hệ mai sau.
TUẤN SƠN