Chung vai vượt “bão”

Tuần qua, giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ ở TPHCM  và các tỉnh thành đã đồng loạt tăng lên như một hiệu ứng đô-mi-nô, làm đau đầu các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Nhiều cuộc họp giữa chính quyền và các DN chủ lực của TPHCM chưa đi đến thống nhất được việc điều chỉnh mức giá nào là hợp lý đối với một số mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản).

Mặc dù thành phố đã dùng quỹ bình ổn giá để hỗ trợ các DN tham gia chương trình này vay ưu đãi, song theo các DN, họ không thể giữ được mức giá cả mà thành phố đưa ra. Đây là mâu thuẫn thường thấy trong mỗi lần “sốt” giá.

Cách đây 9 năm, ngày 26-4-2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về giá nhằm phát triển nền kinh tế thị trường, bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước (Pháp lệnh có hiệu lực từ 1-7-2002).

Pháp lệnh về giá, cùng với các văn bản khác để thực hiện pháp lệnh này được ban hành sau đó, cho thấy nhà nước ta muốn dùng các công cụ quản lý nhà nước để điều hành hoạt động kinh tế theo ý chí của mình, từng bước hình thành một nền sản xuất hàng hóa có kế hoạch và định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Tuy nhiên, thực tiễn luôn thay đổi và giá cả những ngày qua đã biến động nhanh hơn dự kiến của các cơ quan quản lý giá và của chính các DN. Một số cá nhân đã lợi dụng “té nước theo mưa” đẩy giá bán một số mặt hàng cao hơn giá trị thật của nó, gây mầm mống của một cơn “bão giá” mới, làm mất ổn định nền kinh tế, gây khó khăn cho đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, nếu các DN cũng thả nổi theo “bão” sẽ dẫn đến hậu quả không lường cho xã hội và cho chính các DN. Do đó, các DN phải gồng mình cùng chính quyền chung vai vượt “bão”.
 
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN phải điều chỉnh lại cơ cấu giá cả hàng hóa của mình, đồng thời giảm bớt chi phí sản xuất và lợi nhuận để kìm giữ giá ở mức độ xã hội chấp nhận được. Khi hàng hóa của DN được xã hội chấp nhận và tiêu thụ nhanh sẽ tạo điều kiện cho DN nhanh chóng tái sản xuất, mở rộng quy mô và ngày càng phát triển.

Mặt khác, chính quyền thành phố cũng áp dụng tối đa các chính sách ưu đãi để giúp DN vượt qua cơn “bão giá” này, trong đó có thể cho DN vay vốn ưu đãi từ Quỹ bình ổn giá, tạo điều kiện cho DN tiêu thụ nhanh hàng hóa, kiểm tra và xử lý nghiêm những DN không chấp hành đúng quy định về bình ổn giá…

Với việc sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước cùng với sự chung vai của các DN, hy vọng “bão giá” sẽ mau tan, nền kinh tế trở lại yên bình và phát triển một cách lành mạnh đúng quy luật của nó.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục