Hội Tin học TPHCM (HCA) vừa tổ chức hội thảo góp ý “Dự thảo đề cương Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2015, tầm nhìn 2020” và dự thảo “Nghị định hướng dẫn một số điều luật công nghệ thông tin về dịch vụ công nghệ thông tin”. Qua đây thấy rõ nhiều vấn đề liên quan đến chương trình và nghị định hướng dẫn cần cụ thể và có tầm nhìn hơn.
Cần chiến lược khai thác thị trường nội địa
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Giám đốc TMA cho rằng để phát triển ngành CN CNTT cần phải đầu tư mạnh vào R&D (nghiên cứu và phát triển) và Bộ TT-TT cần làm việc với Bộ Tài chính làm sao để các công ty nhập các thiết bị, máy móc nhằm phát triển R&D không phải trả thuế.
Còn ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc CSC, cho rằng bộ cần có những đánh giá chi tiết về các chỉ số của ngành, cần nghiên cứu những chính sách từ các nước lân cận, những nước cạnh tranh trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ… bởi những chính sách trong nước đưa ra thực sự vẫn chưa hấp dẫn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho rằng muốn phát triển ngành CN CNTT thì cần xem xét 3 yếu tố chính là thị trường nằm ở đâu, xác định hướng đi để phát triển và nguồn lực. Về hướng đi ông Minh cho rằng nên tập trung vào lĩnh vực nội dung số và Internet bởi nó có tiềm năng lớn với thị trường như trên. Bên cạnh đó việc làm visa cho người nước ngoài làm việc tại VN hiện nay quá khó, nên việc thu hút lao động nước ngoài trình độ cao vào làm việc trong lĩnh vực này rất nhiêu khê.
Đồng tình với quan điểm của ông Minh, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng Thư ký HCA cho rằng ban soạn thảo không nên có những quy định siết lao động nước ngoài trong lĩnh vực CNTT vì đây là lực lượng quan trọng, chiếm vị trí chủ chốt, giúp không ít doanh nghiệp phát triển.
Đặt lại vấn đề về khái niệm dịch vụ CNTT
Ở phần góp ý cho dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều luật CNTT về dịch vụ CNTT đã có những đóng góp khá sôi nổi. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA cho rằng việc ban hành nghị định là cần thiết vì cần có hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT. Tuy nhiên ông Dũng cho rằng nên phân biệt rõ thế nào là dịch vụ CNTT, bởi những vấn đề như khám bệnh trực tuyến, đào tạo trực tuyến thì không nên đưa vào vì nó liên quan nhiều đến ngành khác hơn. Còn theo Giáo sư Nguyễn Lãm, nên đặt lại vấn đề về khái niệm dịch vụ CNTT vì cách nhìn đến dịch vụ vẫn chỉ là gia công mà chưa chú trọng việc nghiên cứu và phát triển…
Sôi nổi hơn, góp ý cho quy định về chứng chỉ hành nghề tư vấn, nhiều đại biểu cho rằng nên bỏ cái này vì thực tế đây là điều không cần thiết. Ông Phương, Tổng Giám đốc CSC đưa ra ví dụ về việc triển khai các dự án liên quan đến ERP (được định nghĩa là một hệ thống ứng dụng đa phân hệ giúp tổ chức, doanh nghiệp quản lý các nguồn lực và điều hành tác nghiệp) có phải là tư vấn hay không, những cái này đều do phía triển khai là nước ngoài tư vấn, không lẽ cũng bắt họ phải lấy chứng chỉ.
Các đại biểu khác cũng đồng tình với việc nên bỏ điều liên quan đến tư vấn vì ngành CNTT ai cũng muốn phát triển mạnh, càng ít giấy phép thì càng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trước các ý kiến trên, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng thực tế chính sách vẫn chưa sát với doanh nghiệp nên những ý kiến đóng góp thực tế của các đại biểu sẽ được ghi nhận đầy đủ và sẽ trình cho cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn để hoạch định những chiến lược đúng đắn.
Bá Tân