Chiến tranh, bệnh tật, tai nạn giao thông… đã để lại hậu quả nặng nề với gần 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Để cải thiện cuộc sống họ cần nhận nhiều sự trợ giúp từ cộng đồng, và chương trình “Gieo mầm thiện nguyện” của Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting đã chung tay mang lại cho nhiều người khuyết tật cơ hội sống tốt hơn.
Đại diện Quỹ Lawrence S. Ting trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật.
Những mơ ước…
Sinh ra sau chiến tranh, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) không nghĩ mình bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh còn tồn lại trong mảnh đất quê nhà. Khi ba đứa con chị lần lượt ra đời với những biểu hiện không bình thường, chị mới “giật mình” đi xét nghiệm và biết mình đã mang trong mình chất độc da cam (dioxin). Để có tiền chạy chữa, chăm sóc cho 3 đứa con khuyết tật, anh chị lần lượt bán hết nhà cửa, ruộng vườn, về ở đậu nhà của người chị.
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều chăm sóc bé Quế Trân trên chiếc xe lăn tự chế
Hàng ngày chồng chị đi làm thuê, chị ở nhà vừa chăm con, vừa chăn bò thuê cho hàng xóm. Hai con lớn có thể đến trường, riêng bé Nguyễn Thị Quế Trân, con gái út của chị Kiều, bị khuyết tật nặng nhất không thể đi học được. Dù đã 12 tuổi, nhận thức và hoạt động của Quế Trân còn thua một đứa trẻ lên hai. Để giúp Trân di chuyển và đỡ tay chị làm việc nhà; vợ chồng chị tự chế một chiếc xe lăn bằng những thanh sắt và bánh xe phế liệu. “Biết con cũng không thoải mái gì khi ngồi trong chiếc xe tự chế này, nhưng đến cơm còn bữa có bữa không thì làm sao dám nghĩ đến việc mua cho con một chiếc xe lăn đàng hoàng được”.
Chiếc xe lăn mới của chương trình “Gieo mầm thiện nguyện” đến với chị và bé Trân không chỉ là niềm vui mà gia đình chị mong muốn từ rất lâu mà còn là hạnh phúc của những người thực hiện chương trình này.
Anh Vương Bảo Toàn (khóm Trà Khứa, phường 8, thành phố Bạc Liêu), là nạn nhân của một tai nạn giao thông. Từ một người đàn ông trụ cột của gia đình có kinh tế khá giả, sau một tai nạn giao thông, anh Vương Bảo Toàn gần như mất đi tất cả, thân thể không lành lặn phải nằm liệt giường, gia cảnh ngày càng khánh kiệt nên vợ bỏ ra đi. Sự sống của anh và con đặt nặng lên đôi vai người mẹ già vốn cũng không còn khỏe mạnh. Những năm gần đây, sức khỏe mẹ già ngày càng yếu thì gánh nặng gia đình đã chuyển sang đứa con gái còn trong lứa tuổi học sinh. Mong ước về một chiếc xe lăn không chỉ cháy bỏng trong anh mà còn ẩn chứa trong tình cảm của cô con gái bé nhỏ dành cho cha: “Nếu có được chiếc xe lăn, mỗi ngày con sẽ đẩy ba đi vòng vòng trong xóm chơi, để ba con hết buồn”, bé Vương Gia Nghi, con gái anh Toàn tâm sự với cha thế. Và mong muốn ấy cũng đã thành hiện thực khi chương trình “Gieo mầm thiện nguyện” đến với gia đình họ.
Chung tay hỗ trợ những ước mơ…
“Hầu hết những người khuyết tật mà tôi gặp đều có cuộc sống khó khăn; không chỉ họ mà cả gia đình cùng bị ảnh hưởng. Bởi gia đình nào có một người khuyết tật thì cần ít nhất một người chăm sóc, gánh nặng chồng chất. Nếu có một chiếc xe lăn làm phương tiện di chuyển, họ sẽ tự phục vụ bản thân, có thể giúp gia đình và xã hội cũng nhẹ gánh nặng hơn”, ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting, chia sẻ.
Rõ ràng, nếu có một chiếc xe lăn hay xe lắc sẽ giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng không phải người khuyết tật nào cũng có đủ điều kiện để tự trang bị cho mình. Từ năm 2009 đến nay, chương trình “Xe lăn, xe lắc tình thương” của Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting đã đi qua 63 tỉnh thành trên cả nước, trao tặng hơn 17.000 phương tiện cho người khuyết tật. Thế nhưng so với nhu cầu của những người khuyết tật thì rất cần nhiều cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay cho chương trình “Gieo mầm thiện nguyện” để ngày càng nhiều người khuyết tật có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
| |
THIÊN PHÚC