* Cần điều chỉnh giá thuốc bằng chính sách thuế
Ngay sau khi kết thúc chương trình tọa đàm về bình ổn giá thuốc, hôm qua 1-5, chương trình Nói và Làm chính thức nói lời chia tay khán giả, chia tay người dân.
5 năm 2 tháng với 100 giờ phát sóng trực tiếp (bằng thời lượng của các phiên chất vấn tại các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân TP trong một nhiệm kỳ cộng lại) cho thấy một sự nỗ lực lớn của những người thực hiện chương trình – Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Đài Truyền hình TPHCM.
Có thể khẳng định, đến thời điểm này, đây là chương trình chính luận đầu tiên và duy nhất của cả nước được truyền hình trực tiếp định kỳ mỗi tháng một lần vào sáng chủ nhật của tuần đầu tiên. Nói về tính hiệu quả của chương trình, có những nhận định khác nhau về mức độ. Nhìn chung, dư luận mong mỏi làm sao để khoảng cách giữa nói và làm ngày càng được rút ngắn hơn.
Tuy nhiên, có một điểm chung mà không ai có thể phủ nhận rằng, chương trình đã tạo được thương hiệu, tạo thêm kênh thông tin chính thống giữa chính quyền và nhân dân TP để chính quyền và người dân hiểu, chia sẻ, đồng cảm hơn... Hơn thế nữa, như một phiên chất vấn nối dài giữa các kỳ họp HĐND TP, khi những nội dung trong kỳ họp chưa được chuyển tải hết thì chương trình tiếp tục bám sát, làm rõ hơn những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra để phản ánh một cách kịp thời.
Trong đó, có những vấn đề dân sinh, nóng bỏng gây bức xúc trong nhân dân như nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, nhà ở cho người thu nhập thấp, quản lý game online, nhu cầu về khu vui chơi cho trẻ em, việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… đến những vấn đề dài hơi nhưng cũng đòi hỏi cần có bước đi và lộ trình giải quyết từ phía chính quyền TP, như: quy hoạch đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử, cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thành phố xanh…
Trong mỗi chương trình, các vấn đề được đưa ra phân tích, mổ xẻ, làm rõ thực trạng, nguyên nhân; đồng thời, chương trình còn ghi nhận các ý kiến đề xuất, giải pháp cho chính quyền TP. Nói như Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo khi chia tay chương trình: “Giá trị lớn nhất của chương trình còn ở chỗ không phải chia thành hai bên giữa một bên nói và bên làm mà tạo nên sức mạnh của sự đồng thuận”.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, TS Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM, cho rằng: Chương trình đã tạo áp lực cho những người lãnh đạo, người có chức trách buộc họ phải có trách nhiệm hơn về lời hứa của mình trước dân. Đối tượng tham gia chương trình cũng phong phú, từ người lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, địa phương như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân… đến các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trẻ em, người công nhân, chị bán ớt, bán thịt… để góp thêm nhiều tiếng nói từ cuộc sống.
Phát biểu tại buổi tổng kết hoạt động nhiệm kỳ HĐND TP khóa VII, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cũng nhìn nhận: Hoạt động HĐND TP nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới, sáng tạo gần dân hơn, dân chủ hơn như chương trình Nói và Làm… Còn đối với Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo - người được xem như linh hồn của chương trình - Nói và Làm ra đời trước yêu cầu của thực tiễn cuộc sống mong muốn tạo thêm kênh thông tin để chính quyền TP và người dân được đối thoại để nói gắn với làm, nói thuyết phục và làm có hiệu quả.
Chương trình Nói và Làm khép lại gắn liền với dấu ấn hoạt động của Hội đồng Nhân dân TP khóa VII trong sự nuối tiếc… Tuy nhiên, người dân TP mong mỏi chính quyền TP tiếp tục mở ra những chiếc cầu nối với người dân. Bởi lẽ, khi TP còn nhiều vấn đề ngổn ngang, bất cập cùng với những biến động của xã hội thì rất cần có thêm kênh để người dân giám sát, rất cần thêm kênh thông tin để lãnh đạo TP nghe được tiếng nói nhiều chiều. Tất cả chỉ vì sự phát triển chung của TP này.
Vân Anh
Cần điều chỉnh giá thuốc bằng chính sách thuế Trong chương trình “Nói và Làm” bàn về vấn đề bình ổn giá thuốc tây trên địa bàn TPHCM sáng 1-5, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, những nhà thuốc đăng ký bán hàng bình ổn giá sẽ bán các loại thuốc trong chương trình bình ổn thuộc 10 nhóm dược lý chính với 45 loại thuốc, bao gồm: nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; thuốc trị ho; thuốc chống dị ứng; thuốc nhỏ mắt; thuốc trị đau dạ dày; trị tiêu chảy; tim mạch; tiểu đường; kháng sinh; kháng viêm Corticoid. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, giá bán tại các nhà thuốc cam kết bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% ít nhất 1 năm. Từ năm 2002, TP bắt đầu trợ giá cho các mặt hàng bình ổn nhưng năm 2011 là năm đầu tiên TP bình ổn cho mặt hàng thuốc tây sản xuất trong nước. Các mặt hàng thuốc được đưa vào chương trình chỉ giới hạn ở những loại thuốc mà phần đông người dân sử dụng và bán ở những nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc đạt chuẩn Thực hành tốt bán thuốc (GPP) với gần 700 nhà thuốc tham gia từ ngày 27-4. Giải thích thêm, bà Lan cho biết, tùy loại thuốc mà thặng số lợi nhuận nhiều hay ít nhưng cao nhất cũng không được vượt 20%. “Loại thuốc dưới 1.000 đồng/viên thì cho phép thặng số lợi nhuận cao nhất 20%, còn loại trên 1 triệu đồng/liều thì lợi nhuận không quá 5%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp cho các nhà thuốc bệnh viện, nên chăng cho áp luôn với cả nhà thuốc bên ngoài” – bà Lan đề xuất. PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng tình chuyện thặng số lợi nhuận không vượt 20% là một trong những giải pháp. “Cạnh đó, các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu thuốc trước ít nhất 6 tháng và khi đã trúng thầu phải giữ giá trong vòng 1 năm. Nếu nhà thầu nào trúng mà bỏ cuộc thì sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 2 năm. Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Với 10 nhóm và 45 loại thuốc bình ổn, giá thấp hơn thị trường 10% và có 4 đơn vị tham gia tự ứng vốn trước để làm bình ổn là một tín hiệu mừng cho người dân trong giai đoạn lạm phát này. Tuy nhiên, cần phải khắc phục tâm lý coi thường thuốc nội vì có những loại thuốc trong nước sản xuất không những xuất khẩu sang châu Phi mà còn sang cả châu Âu. Song song đó là quản lý tốt hơn nữa về giá thuốc nội và ngoại nhập, đặc biệt là thuốc đặc trị. Cuối cùng là đề xuất quy hoạch, định hướng về các chính sách đầu tư, chính sách thuế để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước. V.Anh |