Chút hương xuân ở Z30D

Ghé thăm Trại giam Thủ Đức TPHCM (Z30D) vào những ngày cận tết, dễ cảm nhận không khí mừng xuân đang len lỏi vào tận đây. Ẩn sau những chiếc áo sọc màu xanh là những nỗi niềm, tâm trạng khác nhau, nhưng ai cũng mong chờ những gói quà tết ấm áp tình thân và khoảnh khắc đón giao thừa ấm cúng…
Chút hương xuân ở Z30D

Ghé thăm Trại giam Thủ Đức TPHCM (Z30D) vào những ngày cận tết, dễ cảm nhận không khí mừng xuân đang len lỏi vào tận đây. Ẩn sau những chiếc áo sọc màu xanh là những nỗi niềm, tâm trạng khác nhau, nhưng ai cũng mong chờ những gói quà tết ấm áp tình thân và khoảnh khắc đón giao thừa ấm cúng…

Tết về... day dứt

Con đường đẹp mắt và ấn tượng với hàng cây xanh thẳng tắp, khung cảnh xanh mướt dẫn chúng tôi vào trụ sở chính của Trại giam Thủ Đức vào một ngày giáp Tết Con Ngựa. Mọi thứ đều nề nếp, sạch sẽ, khang trang. Nếu không nhìn thấy những bóng áo màu xanh sọc xuất hiện thì chẳng ai nghĩ rằng đây là trại giam lớn nhất cả nước và đang giam giữ gần 8.000 phạm nhân. Lặng lẽ với công việc được giao, họ đang cố gắng làm lại cuộc đời, suy ngẫm về những gì mình đã phạm lỗi và chờ đợi sự bao dung của xã hội. Khát khao về chân trời tự do - tương lai mới là động lực sẽ giúp họ hướng thiện, gột rửa những lầm lỗi.

Nhiều phạm nhân lao động tại nông trại.

Nhiều phạm nhân lao động tại nông trại.

Bên những chậu mai giả, các phạm nhân nam ở phân trại 5 đang tất bật gắn từng bông hoa màu vàng tươi lên những nhánh cây khô. Vừa làm, họ vừa hồi tưởng đến những cái tết được hưởng tự do, được dạo chợ xuân nhộn nhịp.

Không muốn khơi gợi lại tội lỗi của mình, một phạm nhân tóc đã điểm bạc ở TPHCM bộc bạch: “Tôi đã phạm tội nghiêm trọng - tước đoạt cuộc sống của vợ chỉ vì phút nóng vội ghen tuông. Giờ cảm thấy ân hận lắm. Giá không phải vào đây thì giờ này ở nhà tôi cũng đang tất bật chăm chút chậu mai vàng, sắm sửa tết vui vẻ với gia đình…”.

Cùng chung tâm trạng day dứt, Thanh Bình, phạm tội buôn bán ma túy bị kết án 9 năm tù, thổ lộ nỗi niềm bất hiếu mỗi khi xuân về không thể chăm sóc mẹ già bệnh tật nằm cô đơn ở nhà. Gạt những giọt nước mắt muộn màng, Bình tâm sự: “Dù được mẹ già bao dung tha thứ và tết nào cũng cố gom góp gởi món quà nhỏ vào trại cho tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi đầy mình. Vì dính vào nghiện ngập ma túy, tôi đã khiến người sinh ra mình khổ đau triền miên. Tôi đã từng lấy cắp bất cứ thứ gì có giá đem bán để thỏa mãn cơn nghiện và lún sâu vào vòng phạm pháp…”. Với nhiều phạm nhân mang án nặng thì ngày về còn xa và mỗi dịp tết đến họ lại cảm thấy nỗi ân hận, day dứt thấm đẫm hơn.

Dưới cái nắng gay gắt ở cánh đồng trồng ớt, chúng tôi cũng gặp gỡ nhiều phạm nhân đang tất bật thu hoạch thành quả lao động. Nâng niu từng trái ớt chín mọng trên tay, họ cảm thấy công việc nông trại “một nắng hai sương” của mình có ý nghĩa hơn. E ngại nhắc lại quá khứ, Lê Tấn Ba (Biên Hòa, Đồng Nai) chịu mức án 14 năm tù vì tội lạm dụng tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nói nhỏ về điều ước năm hết tết đến: “Tôi chỉ mong mình cải tạo tốt, được giảm án để sớm có cơ hội trở về với gia đình, đón cái tết tự do yên vui như trước đây”.

Bế cô con gái nhỏ 15 tháng tuổi trên tay, Hoàng Ngọc Lan (quê ở Bình Dương) phạm tội trộm cắp thổ lộ: “Ngày tháng ở đây rất dài và tết đến tôi chỉ mong người thân vào thăm, tặng quà, mang thêm sữa vào nuôi con nhỏ…”. Vâng, đường về với nhiều người có án nặng thì còn xa hơn và mỗi khi tết đến xuân về họ lại ngậm ngùi, tự vấn lương tâm với hai từ… giá như.

Nhịp cầu sẻ chia

Vào những ngày cuối tuần giáp tết, Trại giam Thủ Đức nhộn nhịp hơn bởi những đoàn người từ nhiều nơi ghé thăm, gởi quà tết cho thân nhân. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui đó cũng có nhiều phạm nhân chịu cảnh cô đơn, lủi thủi vì ít có hoặc không có ai đoái hoài.

Đại tá Nguyễn Xuân Thường, Phó Giám thị phụ trách phân trại 1, cho biết: “Những phạm nhân có gia đình, người thân quan tâm, thường xuyên thăm nom, động viên, tiếp tế đồ ăn thì họ lấy lại niềm tin nhanh hơn, yên tâm cải tạo tốt hơn. Ngược lại, khi bị gia đình định kiến, bỏ rơi không vào thăm nuôi, họ thường tỏ ra bất mãn, có hành vi tiêu cực…”. Chính vì thế, gia đình nào rộng lòng, bao dung với người thân khi họ đã lỡ vướng vào vòng lao lý thì đường về của họ sẽ ngắn hơn, bớt gập ghềnh hơn.

Câu chuyện của nữ phạm nhân Hoàng Thị Kha quê ở Quảng Bình là điển hình và chị đã biết cách vượt qua nghịch cảnh. Sau khi bị kết án tù giam vì phạm tội lừa đảo, chồng chị Kha ly dị vợ và và cấm con cái vào thăm nuôi mẹ. Nhờ giám thị động viên, tạo điều kiện làm ở thư viện, chị nguôi ngoai dần, cố gắng cải tạo tốt, được 3 lần giảm án nên sắp được trở về nhà.

Phạm nhân trang trí cây mai ngày tết.

Phạm nhân trang trí cây mai ngày tết.

Theo ban lãnh đạo trại giam, toàn trại có khoảng 500 trường hợp phạm nhân bị gia đình bỏ rơi hoặc không có điều kiện thăm nuôi. Trong số này, có nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối đã mãn hạn tù nhưng gia đình không chịu đón về. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với trại khi phải chăm sóc sức khỏe và lo toan hậu sự cho họ.

Phân trại 1 - nơi giam giữ khoảng 1.000 phạm nhân nam - nữ, trong đó có 131 người có quốc tịch nước ngoài. Phần nhiều mang án tù chung thân vì tội danh buôn bán ma túy, các phạm nhân nước ngoài đã trải qua nhiều cái tết Việt ở trong tù và cũng cảm thấy vui hơn mỗi khi phân trại nhộn nhịp đón mừng xuân mới. Cũng giống các phạm nhân Việt, họ cũng được hưởng chế độ ngày tết tươm tất, đầy đủ bánh chưng, món ăn truyền thống.

Theo các giám thị, từ ngày 26 - 27 tháng Chạp, các phân trại bắt đầu gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống. Vào đêm 30, chương trình đón giao thừa được tổ chức ấm cúng và trong những ngày tết, nhiều tiết mục văn nghệ, thể thao, hát karaoke, hái hoa dân chủ, trò chơi dân gian… được tái hiện vui nhộn. Riêng các phạm nhân không có người thân thăm viếng luôn được ban lãnh đạo trại quan tâm động viên, chúc tết và lì xì trực tiếp để an ủi phần nào.

Thiếu tá Trịnh Thị Quế, Phó Giám thị Trại giam Thủ Đức, chia sẻ: “Đây là trại giam lớn nhất nước, số lượng đông, đa dạng về mức án, tội phạm nên việc quản lý, giáo dục phạm nhân cũng khá phức tạp. Để cảm hóa, giáo dục họ, chúng tôi luôn cố gắng tạo dựng một môi trường sống, sinh hoạt, lao động nhân văn, từ đó gieo vào lòng phạm nhân sự hướng thiện. Cốt lõi của việc cải tạo phạm nhân là giáo dục và giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi, gầy dựng niềm tin sống có ích sau khi ra tù. Và để làm được điều này rất cần sự sẻ chia của gia đình, sự bao dung của xã hội”.

Không phải ngẫu nhiên nhiều phạm nhân ở đây hài lòng với môi trường cải tạo giàu tình người và luôn đón nhận sự chăm sóc chu đáo của trại. Không chỉ lo sức khỏe, từng bữa ăn đủ chất hơn cho phạm nhân, trại còn quan tâm đến đời sống tinh thần, hỗ trợ vật chất khi cần.

Trong thời gian qua, Quỹ tấm lòng vàng - mô hình đầu tiên ở Trại giam Thủ Đức đã quyên góp được 1,6 tỷ đồng và nguồn kinh phí này đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều phạm nhân vượt qua khó khăn về bệnh tật, cuộc sống riêng. Không chỉ có thế, nhiều phạm nhân tâm sự rằng, chỉ cần một nụ cười, ánh mắt sẻ chia của giám thị cũng gieo vào lòng họ niềm tin, động lực sám hối.

Trên đường trở về thành phố, chúng tôi cảm thấy ấm lòng bởi những gì được chứng kiến và vương vấn câu nói chân tình của Thượng tá Trần Văn Hạnh, Phó Giám thị phân trại 5: “Nếu biết cách “mở lòng” của họ thì phạm nhân nào dù có tâm trạng u uất, chán đời cũng mềm lòng, thổ lộ những điều muốn nói”. Vâng, mùa xuân đang về, sưởi ấm từng mảnh đời, số phận và nó càng giàu ý nghĩa hơn ở Trại giam Thủ Đức, nơi có những nhịp cầu ân tình lặng lẽ sẻ chia, nâng đỡ phạm nhân.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục