Mô hình “Khu phố không rác” được TPHCM phát động từ năm 2009 đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Từ những việc làm cụ thể của Ban vận động khu phố mà nhiều người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường đã xanh và sạch hơn.
Những “khu phố xanh” điển hình
Ông Trần Lê Hải, Ban vận động khu phố 2, phường 10, quận 5 cho biết, khu phố 2 đã được công nhận là “Khu phố không rác” vào năm 2010 và trong các năm 2011, 2012 và 2013, khu phố tiếp tục duy trì và được nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Đây cũng là điểm nhấn để mọi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác trong việc xây dựng khu phố.
Để làm được điều này, Chi bộ khu phố đã lồng ghép công tác tuyên truyền thực hiện khu phố xanh, sạch vào các buổi sinh hoạt tổ dân phố; thực hiện nhắc nhở tại chỗ những hành vi không thân thiện môi trường; tạo sự đồng thuận trong việc cam kết thực hiện các tiêu chí về xây dựng khu phố không rác trong cộng đồng dân cư…
Với cách làm này, đã có 100% hộ dân ở khu phố 2 thực hiện việc bỏ rác đúng giờ, không để tồn đọng rác trước cửa nhà, gốc cây vỉa hè, hẻm nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Cùng với công tác tuyên truyền trên, ban chỉ đạo còn khuyến khích người dân khu phố tham gia các hoạt động như thực hiện mô hình “15 phút mỗi ngày”; “Một biết ba”; “Chụp ảnh dán bản tin”. Theo đó, đăng thông tin, hình ảnh các hộ có hành vi vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định, thả súc vật phóng uế bừa bãi trên bản tin tổ dân phố để phê bình và xử lý kịp thời.
Khác với mô hình quận 5, ông Nguyễn Tấn Hạnh, Trưởng ban khu phố 4, phường 8, quận 8 cũng cho biết, để thực hiện kế hoạch “Khu phố không rác”, Ban vận động khu phố đã thành lập tổ tự quản về vệ sinh môi trường, lấy lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt.
Nhiều hoạt động tập trung vào những giải pháp cụ thể như: các hộ dân phải ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường; mỗi ngày chỉ đem rác ra một lần và ký hợp đồng thu gom rác với công ty dịch vụ công ích; các hộ kinh doanh buôn bán ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường; các quán ăn lớn, nhỏ phải có thùng rác bên cạnh… Đối với những hộ có điều kiện, khuyến khích trồng cây kiểng xung quanh nhà nhằm tạo thêm mảng xanh đô thị.
Bên cạnh đó, Ban vận động còn triển khai gắn nội dung thực hiện “Khu phố không rác” vào việc theo dõi, bình xét hộ gia đình văn hóa hàng năm, quy ước thực hiện cộng đồng để người dân biết và đồng thuận cùng cam kết thực hiện.
Bà Trần Thị Giá, Ban vận động khu phố 1, phường 8, quận Phú Nhuận cũng chia sẻ, để cho khu phố được xanh - sạch - đẹp, ban vận động khu phố đã phát động các hộ dân mỗi ngày 5 phút dọn dẹp trước cửa nhà. Không phơi quần áo trước ban công, không treo túi chứa rác dọc hành lang đường sắt, không thả súc vật chạy rong, không vứt rác, đổ nước bẩn ra đường.
Đặc biệt, khu phố đã xây dựng được thói quen cho người dân ở đây tham gia thực hiện ngày “Chủ nhật xanh”. Mỗi sáng chủ nhật mọi người dành 15 phút quét dọn trước nhà sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Mô hình cần được nhân rộng
Ông Trần Ngọc Đậu, Phó trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 15, quận 4, nhìn nhận, từ những hiệu quả trong công tác xây dựng mô hình “Khu phố không rác” cho thấy mô hình này thực sự cần thiết, góp phần cải thiện thực trạng ô nhiễm của thành phố. Do vậy, cần tạo ra những buổi giao lưu giữa những khu phố để tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm hay. Từ đó, phát động phong trào thi đua xanh, sạch giữa các khu dân cư để ngày càng nhân rộng những khu phố kiểu mẫu này.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hồng, Trưởng khu phố 6, phường 13, quận 6 cũng cho rằng, từ khi thực hiện mô hình “Khu phố không rác”, việc bảo vệ môi trường ở phường đã được cải thiện. Các hẻm, tuyến đường đã trở nên thông thoáng và xanh sạch hơn. Đời sống và sức khỏe của nhân dân nhờ vậy mà được bảo đảm hơn.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, từng bước đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Đây là mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mô hình “Khu phố không rác” đã góp phần phát huy được sự sáng tạo của địa phương, nhiều mô hình mới có tính thiết thực cao đã ra đời, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được lồng ghép với nhiều phong trào thi đua của địa phương, thu hút được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia.
Từ 26 mô hình điển hình được thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện tại 5 quận, đến nay mô hình “Khu phố không rác” đã được triển khai và nhân rộng khắp thành phố với 932 khu phố.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ thường xuyên phối hợp với các quận, huyện đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, chọn lọc những sáng kiến phù hợp để áp dụng cụ thể vào từng khu phố và triển khai. Bởi việc hình thành ngày càng nhiều khu phố xanh, sạch chính là điều kiện cần để tạo dựng sắc xanh cho thành phố trong thời gian tới.
MINH HẢI