Xã Kiến Bình huyện Tân Thạnh tỉnh Long An ở tuốt trong vùng sâu của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Đây cũng là “vựa” tràm lớn nhất Long An với những rừng tràm bạt ngàn, xanh mướt. Về xã Kiến Bình, hỏi nhà chú Ba Thơ (Trần Văn Thơ), ngụ ấp Bảy Mét, chúng tôi nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con. Ở đây, ai cũng nhắc đến chú Ba Thơ với sự tin yêu, thương mến vì những việc làm âm thầm và tốt đẹp của chú đối với đời.
Chú Ba Thơ đến kiểm tra tiến độ thi công nhà tình thương của anh Chinh, chị Yến
Từ bưu tá kiêm thợ sửa cầu
Cầu Kênh Hậu mới hoàn thành được hơn 1 tháng, nằm vắt ngang dòng kênh xanh mướt, màu sơn vàng còn mới tinh. Hướng dẫn chúng tôi tham quan cây cầu, chú Ba Thơ cười vui như… trẻ thơ: “Ai nghĩ dân Bảy Mét bây giờ có cây cầu bê tông đàng hoàng như thế này để đi lại đâu. Tổng kinh phí cây cầu 170 triệu đồng đó. Toàn là tiền huy động từ bà con và mạnh thường quân không hà”. Nếu không biết đã nhiều năm qua, chú Ba Thơ gắn bó như “cá với nước” ở dòng kênh Hậu này như thế nào, nơi có hàng chục cây cầu gỗ nay hư mai hỏng, thì thật khó hiểu vì sao chú lại cười tươi như vậy khi nhắc đến những cây cầu mới. “Mấy đứa nhỏ ở đây hổng gọi tui là chú Ba Thơ đâu. Bọn nó gọi chú Ba “cầu” không hà. Chắc tại lúc nào bọn trẻ cũng thấy tôi loay hoay với mấy cây cầu bắc qua kênh Hậu”. Và câu chuyện chú Ba Thơ bắt đầu với chúng tôi cũng được dẫn dắt bởi hình ảnh những chiếc cầu qua kênh Hậu.
Làm bưu tá hơn 15 năm nên dấu chân của chú Ba Thơ đã in khắp mọi nẻo đường đi lối lại ở xã vùng sâu Kiến Bình và cả huyện Tân Thạnh. “Những cây cầu tạm bợ, chắp vá nối hai bờ kênh này, mỗi khi nước mưa lũ tràn về lại trở thành nỗi ám ảnh đối với bà con cũng như đám trẻ đến trường mỗi khi qua lại. Không ít lần tôi đi giao thư, giao báo đã chứng kiến tụi nhỏ trượt té từ cầu xuống kênh nên quần áo, sách vở ướt sũng. Lúc đó có vài học trò nhỏ khóc sướt mướt rồi “vớt” vội tập vở ướt nhẹp lên bờ, quay bước trở về nhà chứ không thể đến trường với bộ đồng phục ướt sũng cũng như vở viết đã bị nhòe mực”, chú Ba Thơ nhớ lại. Vì vậy, suốt 15 năm qua, ngoài hành trang là chiếc ba lô đựng thư, báo, chú còn tự trang bị cho mình bộ đồ nghề chuyên dụng gồm đinh, búa… để sửa cầu. “Cầu khỉ mà, chỉ làm tạm bợ bằng vài cành tràm bé xíu. Nay tuột đinh, mai đứt dây chằng. Mình làm bưu tá, ngày nào cũng đi mấy vòng qua những cây cầu tạm ngang kênh nên nắm rõ “sức khỏe” của từng cây cầu. Đi qua, thấy cầu nào lung lay dữ, kiểm tra thấy có sự cố là phải xắn tay vào sửa liền, không bọn nhỏ đi học về lại té ướt nữa. Cây cầu nào xuống cấp quá lại phải cố đi giao thư, báo cho nhanh rồi về ghé qua nhà nào còn dư cây cừ tràm, cây gỗ tốt… xin lại, sau đó mới kêu gọi bà con cùng góp công, góp sức đóng mới lại cây cầu”, chú Ba Thơ tâm sự. Chỉ bộ đồ nghề với đinh, búa và cây gỗ tự huy động nhưng từ năm 2000 đến nay, chú Ba Thơ đã trực tiếp tham gia sửa chữa, đóng mới hơn 20 cây cầu bằng cây dọc kênh. Hàng loạt cây cầu tiếp nối nhau ra đời như cầu: Kênh Ngang, Đá Viên, Số 51, Hạnh Phước, Đá Biên… nối những nhịp bờ vui cho người dân Kiến Bình.
Đến những cầu bê tông và nhà tình thương
“Nhưng cầu cây chỉ qua lần lượt từng người một, còn mấy đứa nhỏ muốn đi học xa lại không được vì đâu thể dắt xe đạp qua cầu. Đêm tôi nằm trằn trọc suy nghĩ cách để làm sao xây được một cây cầu bằng bê tông vững chắc. Hôm sau, tôi đếm số tiền lương để dành nhiều năm qua chỉ được 35 triệu đồng, chắc không đủ nên đánh liều đến chùa Phật Bửu đóng trên địa bàn xã để nhờ ủng hộ thêm. Không ngờ, vị trụ trì của chùa ủng hộ việc làm của tôi và giúp sức kêu gọi thêm một số bà con người góp tiền, người góp gạch, xi măng, người góp công… nhờ đó cây cầu bê tông đầu tiên mang tên Sa Điển hình thành”, chú Ba Thơ hồi tưởng. Đến tháng 8-2015 vừa qua, người dân xã Kiến Bình lại mừng vui khôn xiết khi có thêm cầu bê tông Kênh Hậu được khánh thành đưa vào sử dụng. “Không cây cầu nào ở Kiến Bình mang tên Ba Thơ nhưng bà con biết, để có được những cây cầu này, bàn tay, bóng dáng, tâm huyết, sức lực của chú Ba đã dồn hết vào đó”, anh Phan Văn Chinh, nhà ở ấp Bảy Mét nói trong sự thán phục.
Cầu bê tông Kênh Hậu vừa được đưa vào sử dụng với kinh phí 170 triệu đồng có công sức đóng góp rất nhiều của chú Ba Thơ
“Niềm tin của người dân Kiến Bình dành cho chú Ba Thơ được gửi gắm và bồi đắp từ những cây cầu”, ông Đinh Văn Thiện Chí, Bí thư Đảng ủy xã Kiến Bình và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Minh cùng chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nêu cảm nhận về chú Trần Văn Thơ, người đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cũng như phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách ở xã Kiến Bình. Trong quá trình công tác, chú Ba Thơ luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhân viên bưu tá, nhận phát báo và chuyển thư, tài liệu cho Đảng ủy, UBND xã kịp thời. Chú Ba Thơ còn vận động xin tre, gỗ về để cất nhà cho những người gặp khó khăn về nhà ở; cứu đói cho những hộ không có ruộng đất; vận động bà con đóng góp sửa cầu, nâng cấp con lộ; vận động mạnh thường quân đổ đất san nền sân cho 3 trường học. Tính đến nay, chú Ba Thơ đã đóng góp công sức của mình xây dựng 15 căn nhà tình thương, nhiều phần quà cứu trợ trong mùa lũ và dịp tết cũng như khai giảng năm học cho học sinh nghèo.
Chia tay chúng tôi, chú Ba Thơ lại tất bật đến nhà vợ chồng anh Phan Văn Chinh và chị Yến, hộ thuộc diện khó khăn trong ấp Hai Vụ. Đó là căn nhà tình thương đang được nhóm thợ thi công và vừa rồi gặp mấy cơn mưa nên nền nhà lầy lội. Chú đến cũng không quên mang thêm bình nước sạch cho nhà chị Sáu sử dụng cũng như kiểm tra tiến độ của thợ xây. “Chú Ba Thơ luôn quan tâm đến những hoàn cảnh gia đình nghèo và hiện chú là thành viên của Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và hội viên Hội Chữ thập đỏ của xã. Dù gia đình chú còn nhiều khó khăn nhưng bản thân chú luôn năng nổ, nhiệt tình với công tác của địa phương. Mỗi lần quyên góp được tiền, quà, chú đều sử dụng đúng mục đích và báo cáo rõ ràng nên bà con trong ấp và xã Bảy Mét và cả xã Kiến Bình đều rất quý mến chú Ba”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Kiến Bình, cho biết.
HUYỀN VĂN