
Vừa bước xuống bục nhận huy chương, cô bé Kim Ngọc vội ra dấu để cô giáo Trần Thị Ngời gọi điện thoại cho mẹ, người đang từng ngày ngóng tin Ngọc. Bên kia đầu dây, chị Kim Hồng hét toáng lên vì vui sướng khi nghe tin con mình đoạt huy chương vàng ở đường chạy 60m.
Đứa con bất hạnh
Chị Kim Hồng là mẹ của Ngọc, kể: “Thương lắm chú ạ! Bé Ngọc khi sinh ra thì mồ côi cha lẫn mẹ, đã vậy cháu còn mắc bệnh, không nói và không nghe được”.

Bé Kim Ngọc (thứ ba từ trái sang) cầm huy chương cùng đội tuyển đang mừng chiến thắng
Năm 1997, chị Hồng đến cô nhi viện đón bé Ngọc về nuôi, lúc ấy em vừa tròn 6 tháng tuổi. “Ai cũng bảo tôi “khùng”, trẻ mồ côi thiếu gì đứa lành lặn không xin mà lại đi xin một đứa vừa điếc vùa câm. Gia đình tôi mới đầu cũng can ngăn”. Nhưng thương hoàn cảnh của Ngọc, chị bỏ qua tất cả.
Lúc đầu, hai mẹ con chị không biết làm sao để “nói chuyện” với nhau, sau đó mới quen. “Ngọc rất ngoan nên trong nhà ai cũng yêu mến. Mấy hôm nay Ngọc tham dự Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần II tận ngoài Quảng Trị, ở nhà mọi người nhớ cháu lắm, nhất là anh của Ngọc”, chị Hồng cười tươi.
Đằng sau tấm huy chương
Với thành tích 25 giây ở đường chạy 60m, Kim Ngọc đã vượt qua 15 VĐV để đoạt huy chương vàng đầu tiên về cho đoàn học sinh khuyết tật TPHCM. Đối với Ngọc, đây là phần thưởng của sự nỗ lực hết mình, vượt qua hoàn cảnh khó khăn giành chiến thắng.
Nhiều năm qua, Ngọc đã nhiều lần đoạt huy chương vàng ở các giải cầu lông TPHCM dành cho trẻ khuyết tật, em còn là một họa sĩ nhí nhận được nhiều giải thưởng cấp trường, cấp thành phố.
Cô Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Hy Vọng cho biết: “Ngọc là một học sinh đặc biệt. Ngọc rất ham học, cần cù, chịu khó. Nhiều hôm thầy giáo bảo Ngọc nghỉ, nhưng Ngọc vẫn cố đến nỗi đổ bệnh. Sau lần đó, ai cũng cho rằng Ngọc phải từ bỏ thể thao, ai ngờ mới khỏi bệnh em lại đòi ra sân tập tiếp. Không chỉ mê thể thao, Ngọc còn rất giỏi môn Toán, Văn, đặc biệt là Hội họa”.
Còn Ngọc thì quơ tay: “Em rất thích tập thể thao, sáng nào em cũng dậy sớm tập chạy quanh xóm”. Để chuẩn bị giải lần này, Ngọc đã tập chăm chỉ cả tháng trời. “Nhờ sự chỉ bảo của thầy cô và một người vô cùng quan trọng đối với em, luôn động viên, khích lệ và chăm sóc cho em từng bữa cơm, giấc ngủ - đó là mẹ Hồng”, Ngọc viết ra trên giấy, mắt rạng ngời.
Ngọc tiếp tục khua tay, miệng ơ ơ như muốn nói điều gì đó với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Ngời làm người phiên dịch cho chúng tôi. “Em là người không may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, sức khỏe em lại rất yếu. Do đó, em muốn tập thể thao cho có sức khỏe tốt, để sau này làm nhiều việc có ích cho xã hội và có thể đỡ đần cho mẹ Hồng. Em muốn có sức khỏe như mẹ Hồng, để sau này có thể nhận nhiều trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh như mình về nuôi”.
VÕ LINH