Cuộc gặp thu hút được sự chú ý của dư luận trong bối cảnh quan hệ của 2 quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang rất căng thẳng, bởi hàng loạt vấn đề từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đến Ankara tấn công miền Bắc Syria và mới nhất là việc Hạ viện Mỹ công nhận nạn diệt chủng người Amernia dưới thời đế chế Ottoman trong Thế chiến 1.
Trước thềm cuộc gặp, bầu không khí căng thẳng càng được hâm nóng bởi những cảnh báo mà đôi bên dành cho nhau. Ông Erdogan dọa sẽ thắt chặt quan hệ quân sự với Nga hơn nữa bằng việc mua máy bay chiến đấu Su-35 nếu Washington không dỡ bỏ lệnh cấm bán chiến đấu cơ F-35 cho Ankara. Giữa tháng 7, Mỹ thông báo không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiếp nhận những bộ phận đầu tiên trong hệ thống S-400.
Mỹ cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga có thể giúp Moscow do thám và đe dọa F-35. Ngày 10-11, Mỹ tiếp tục yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua S-400, bằng không Ankara “sẽ cảm nhận được các tác động của lệnh trừng phạt”. Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien nhấn mạnh NATO không có chỗ cho S-400 và các thương vụ mua vũ khí quan trọng của Nga.
Nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế việc Mỹ ép Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống S-400 là để Ankara phải mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Vậy nên, thông tin Thổ Nhĩ Kỹ “sắp” mua 36 máy bay Su-35 của Nga được đưa ra trước cuộc gặp là nhằm gây sức ép lên Tổng thống Donald Trump. Dỡ bỏ lệnh cấm bán F-35 hay để Ankara tiến lại gần hơn nữa với Moscow, giờ Mỹ phải lựa chọn. Và để tăng sức nặng của đòn mặc cả, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ hoãn việc nhận lô S-400 thứ 2 đến năm sau.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mua sắm thiết bị quân sự từ Nga cho thấy quan hệ giữa Ankara và Moscow ngày càng trở nên nồng ấm. Điều này thật sự không dễ chịu chút nào đối với Mỹ và NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của khối. Mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xáo trộn nhiều từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào khu vực do người Kurd ở Syria nắm giữ. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này tại Washington không chỉ để giải quyết mối quan hệ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là để kéo Ankara “quay trở lại đúng hướng”, không để Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới gần hơn nữa với Nga.
Để thực hiện được điều này không hề dễ dàng khi Washington và Ankara hiện có quá nhiều bất đồng cần giải quyết. Ví dụ như việc Mỹ liên kết với người Kurd ở Syria là ngược lại mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tranh chấp gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO chủ yếu xoay quanh phản đối của Ankara đối với các nhóm người Kurd, vốn đã trở thành đối tác quan trọng của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Từ những thực tế trên, chuyến công du Mỹ của Tổng thống Erdogan hứa hẹn sẽ có nhiều việc để bàn thảo với người đồng cấp Mỹ.