Chuyển dịch kinh tế nhanh để tương thích hội nhập

° Phóng viên
Chuyển dịch kinh tế nhanh để tương thích hội nhập

Nói đến hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta thường nghĩ đến các cơ hội cũng như các thách thức. Với cơ hội, đó là việc mở ra khả năng tăng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Còn thách thức lại ngụ ý rằng, nguy cơ hàng hóa nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính - ảnh), xét về lâu dài, bản chất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không hẳn là cạnh tranh, mà là hợp tác.

° Phóng viên: Một cách khái quát, ông có thể nói gì về bản chất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

Chuyển dịch kinh tế nhanh để tương thích hội nhập ảnh 1

° TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ: Cơ hội và thách thức đã được nói đến nhiều nhưng xét về lâu dài, bản chất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không hẳn là cạnh tranh, mà là hợp tác. Hội nhập kinh tế quốc tế chính là việc các nước cùng nhau mở cửa thị trường của mình để hàng hóa của các nước khác “tràn” vào. Chẳng hạn, khi 2 nước A và B ký kết hiệp định thương mại, các hàng rào thuế quan sẽ cùng được hạ xuống để nước A tăng xuất khẩu hàng hóa X sang nước B, đồng thời nước B cũng tăng xuất khẩu hàng hóa Y sang nước A. Nói cách khác, nước A sẽ chuyên môn hóa vào sản xuất hàng hóa X, đồng thời nước B sẽ chuyên môn hóa vào sản xuất hàng hóa Y và 2 nước sẽ trao đổi hàng hóa với nhau. Để thực hiện sự phân công lao động này, các nguồn lực như vốn, lao động và công nghệ của nước A cần được chuyển từ ngành Y sang ngành X và ngược lại. Như vậy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, về bản chất, chính là quá trình chuyển dịch các yếu tố sản xuất từ những ngành không có lợi thế sang những ngành có lợi thế (chuyển dịch cơ cấu kinh tế), qua đó hình thành nên một sự phân công lao động và hợp tác hiệu quả hơn với năng suất cao hơn.

° Với Việt Nam, chúng ta sẽ phải làm gì để cùng thắng, thưa ông?

°Các biện pháp nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế không hẳn nằm ở chỗ phải nâng cao năng lực cạnh tranh (về cơ bản, năng lực cạnh tranh của mỗi nước trên cơ sở lợi thế so sánh là thứ đã có sẵn từ trước khi hội nhập), mà nằm ở chỗ các nước chuẩn bị thế nào cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mình. Nếu chuẩn bị chu đáo và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này diễn ra càng nhanh bao nhiêu, thì các cơ hội để tăng xuất khẩu, thu hút FDI sẽ càng được tận dụng tốt bấy nhiêu, đồng thời các thách thức liên quan đến sự suy giảm của các ngành không có lợi thế sẽ càng được hạn chế bấy nhiêu.      

Đối với các nước đang phát triển, mặc dù lao động là yếu tố sản xuất dư thừa, nhưng vốn và công nghệ lại là những yếu tố sản xuất khan hiếm. Khi tăng đầu tư cho những ngành phục vụ xuất khẩu, các nước đang phát triển sẽ phải giảm đầu tư cho các ngành khác và do đó cũng dẫn đến phải tăng nhập khẩu từ nước ngoài. Chuyển dịch trọng tâm của chính sách đầu tư chính là một trong những thách thức mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

° Theo đánh giá của ông, Việt Nam đã có sự chuyển dịch kinh tế như thế nào?

° Kể từ khi thực hiện đổi mới kinh tế vào năm 1986 Việt Nam đã luôn tích cực và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã ở mức hơn 160% GDP. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giai đoạn 1988 - 2014 đạt hơn 290 tỷ USD, còn vốn FDI thực hiện trong cùng thời kỳ là hơn 124 tỷ USD. Sự gia tăng quy mô thương mại và đầu tư nói trên đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động của Việt Nam theo hướng giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp có năng suất thấp, đồng thời tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn, chẳng hạn như các ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến nông - thủy sản…, từ đó góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP và mức thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta còn chậm. Số lượng lao động tuyệt đối làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp hơn một thập kỷ qua không giảm, mà luôn xoay quanh mức 24 triệu người. Một trong những nguyên nhân khiến quá trình chuyển dịch lao động từ nông - lâm - ngư nghiệp sang các ngành khác diễn ra chưa mạnh như mong muốn là do chúng ta chưa tập trung đúng mức cho việc phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động để kéo người nông dân ra khỏi nông thôn nhiều hơn nữa, trong khi lại đầu tư nhiều cho các ngành khai khoáng, lọc dầu, luyện thép… là những ngành thâm dụng vốn. Nhưng thách thức lớn hơn là sự tăng chậm của vốn đầu tư nói chung trong giai đoạn gần đây. Nếu như trong giai đoạn 2005 - 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá so sánh năm 2010 tăng từ mức 447.000 tỷ đồng lên mức 830.000 tỷ đồng, thì đến năm 2014 con số đạt được chỉ là 957.000 tỷ đồng, tức là có sự gia tăng rất chậm trong giai đoạn từ 2010 đến nay. Sự tăng trưởng chậm của vốn đầu tư toàn xã hội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và tốc độ tăng việc làm của cả nước liên tục giảm từ năm 2011 là 2,66%, năm 2012 là 2,13%, năm 2013 là 1,53% và năm 2014 chỉ 1,03%. Điều này đã và đang khiến tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc làm bị ảnh hưởng mạnh và khả năng vượt qua các thách thức (tạo việc làm cho lao động bị mất việc tại các ngành không có lợi thế như ngành chăn nuôi) khi tham gia vào hội nhập cũng bị suy giảm theo.

° Việt Nam đã và sẽ tham gia các sân chơi lớn, đẳng cấp cao như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy, theo ông, Việt Nam sẽ làm gì để hưởng lợi nhiều hơn từ các cuộc hội nhập này?

° Thực trạng nêu trên cũng đã có hàm ý chính sách ở đó. Còn về cụ thể, với TPP, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành chăn nuôi, nơi có 10 triệu nông dân đang làm việc, sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ hiệp định này. Bởi vậy, để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập vào TPP sắp tới, Việt Nam cần có những điều chỉnh về chính sách đầu tư theo hướng tập trung phát triển các ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử… nhằm chuẩn bị cho việc hấp thụ những lao động bị mất việc từ các ngành có sức cạnh tranh không cao như ngành chăn nuôi đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.

Hơn nữa, trong bối cảnh nợ xấu và nợ công đang ở mức cao, các nguồn đầu tư công và đầu tư tư nhân gặp nhiều khó khăn, việc khuyến khích và huy động các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào các ngành gia công thâm dụng lao động sẽ vẫn là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập, mặc dù đó là những ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng không cao và không mang lại nhiều “niềm tự hào dân tộc”.

° Xin cảm ơn ông!

NGỌC QUANG - HÀ LINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục