Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ về cái nhãn (mác) áo

Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ về cái nhãn (mác) áo

Nhiều người tuy không nói ra nhưng đều đã từng gặp sự kiện khó chịu là cái nhãn gắn ở cổ áo cứ cọ vào cổ khiến đau rát không chịu được. Trước đây nhãn thường được dệt bằng các loại sợi cứng, nhất là những loại sợi kim tuyến, nên cứ bị đâm vào cổ. Từ khi ngành thời trang phát triển, cuộc sống nâng cao, các doanh nghiệp dệt may đã rất chú ý đến từng chi tiết trên sản phẩm để đưa sản phẩm của mình trở thành hàng hiệu, hàng cao cấp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã nhập máy dệt nhãn, sử dụng chất liệu sợi tốt hơn để khắc phục tình trạng trên.

Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ về cái nhãn (mác) áo ảnh 1

Những sản phẩm cao cấp đòi hỏi từng chi tiết đi theo cũng phải phù hợp.

Thế nhưng, đến nay các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may nổi tiếng vẫn gây khó chịu cho người mặc bởi cái nhãn nhỏ xíu trên cổ áo. Một doanh nghiệp may mới tung ra thị trường sản phẩm áo polo shirt cao cấp, với những chất liệu đặc biệt, giá bán gần 400.000 đồng/áo.

Vậy mà khi mặc vào, chỉ sau vài lần giặt là chiếc áo mềm ra còn cái nhãn thì cứng lên cọ vào cổ đau rát. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, doanh nghiệp này cũng như một số doanh nghiệp khác đã nhập máy dệt nhãn có công nghệ hiện đại như Muller của Thụy Sỹ, Mei của Italia, Vaupel của Đức… có phần mềm thiết kế nhiều kiểu dáng, kiểu chữ, hoa văn…

Vậy tại sao một hệ thống máy dệt hiện đại và chất liệu dệt từ sợi tốt không khắc phục được việc này. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành cho biết, do phần lớn các doanh nghiệp trong nước đầu tư máy dệt nhãn với công nghệ cắt bằng nhiệt, trong khi doanh nghiệp nước ngoài dùng công nghệ cắt siêu âm nên sản phẩm của họ rất mềm mại.

Khi dùng hệ thống cắt nhiệt (cắt bằng hệ thống dây nhiệt điện trở) để cắt hai biên nhãn sẽ làm cho sợi dệt bị nóng chảy, khi nguội kết lại rất cứng hai mép biên nhãn khiến cho khi mặc bị cọ vào da rất đau. Thực chất hệ thống cắt nhiệt chỉ dùng cho việc dệt nhãn túi, phía ngoài áo hoặc áo jackét chứ không cho sản phẩm áo sơ mi. Có nhiều khi sản phẩm áo còn mới nên hồ còn cứng chưa thấy nhãn cọ mạnh trong những lần mặc đầu, sau vài lần giặt, áo trở nên mềm và giãn thì nhãn áo lại cứng hơn sẽ bắt đầu cọ vào da gây đau.

Hiện nay các nước khi sử dụng nhãn cho áo sơ mi, pull, đồ mặc trong sát người phải dùng hệ thống máy dệt nhãn cắt siêu âm để tránh hiện tượng khó chịu trên. Vấn đề là máy cắt bằng hệ thống cắt siêu âm đắt hơn cắt nhiệt, phải đầu tư thêm nên không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng.

Nhưng hiện nay, chất lượng sản phẩm là một yếu tố cạnh tranh rất cao, nếu chỉ vì một chiếc nhãn mác cắt nhiệt cọ vào cổ mà mất vị thế cạnh tranh trên thị trường là điều đáng tiếc.

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục