Chuyện những người vượt bão

Chuyện những người vượt bão

Trong buổi tọa đàm “Chuyện những người vượt bão” trong khuôn khổ giải thưởng 50 Nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp - Mark of Respect 2013, được tổ chức bởi Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư với sự đồng hành của Royal Salute, các doanh nhân đã chia sẻ những bí quyết sáng tạo trong kinh doanh giúp họ lèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt bão khủng hoảng một cách an toàn.

Sau 5 năm chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngoài những mặt sáng cơ bản đang phát triển tích cực, đã xuất hiện những yếu kém, thách thức cần khắc phục. Tình hình trở nên khó khăn hơn khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ vào thời điểm cuối năm 2011. Tín dụng tiếp tục bị thắt chặt khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và lâm vào tình trạng phá sản vì không trả được lãi vay ngân hàng. Cùng theo đó là bong bóng bất động sản đổ vỡ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng, các ngành hàng liên quan điêu đứng theo vì ảnh hưởng dây chuyền. Kết quả sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ cao, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung đang giảm. Hệ số sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) trung bình giảm từ mức 6,4% (năm 2002) xuống còn 3,6% (năm 2010).

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ về giải thưởng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ về giải thưởng.

Trong thời điểm không mấy sáng sủa của nền kinh tế, vẫn tồn tại một số doanh nghiệp đã vượt bão thành công, có lãi thậm chí có những con số tăng trưởng ấn tượng, bằng sự sáng tạo trong chiến lược kinh doanh. Đơn cử như trường hợp của Tôn Hoa Sen (HSG), vượt bão bằng việc sáng tạo ra hình thức cạnh tranh mới trên thị trường xuất khẩu. Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc HSG, chia sẻ: “Trung Quốc cùng với Úc và Nhật Bản là ba cường quốc có công nghệ sản xuất và sản lượng hàng đầu thế giới về thép. Cạnh tranh với hàng của họ không dễ. Cạnh tranh bằng chất lượng thì HSG đã có nhưng chưa chắc thắng. Vì thế, chúng tôi chọn chiến lược cạnh tranh bằng giá và thời gian giao hàng. Thép là sản phẩm chịu biến động giá cao, giao hàng nhanh sẽ giúp HSG khẳng định lợi thế với các đối thủ khác”.

Một trường hợp khác để nhắc đến trong buổi tọa đàm, đó là Công ty Vĩnh Tường, thành lập năm 1991 với nhiệm vụ cung cấp sản phẩm trần và vách ngăn cho các công trình xây dựng. Năm 2008 khi khủng hoảng bùng nổ khiến hàng loạt doanh nghiệp cùng ngày co cụm hoặc đóng cửa, Vĩnh Tường đã nghĩ đến giải pháp ngoài việc cung cấp các sản phẩm truyền thống, họ cung cấp thêm giải pháp xây dựng phù hợp với túi tiền của mọi người, và tấn công vào các thị trường nhỏ ở các tỉnh, thành phố nhỏ, vùng nông thôn. Hướng đi này không chỉ giúp công ty gia tăng doanh thu mà còn cải thiện tỉ suất lợi nhuận rõ rệt. Năm 2012, doanh thu Vĩnh Tường tăng 20% trong khi lợi nhuận tăng 30%. Bên cạnh đó, Vĩnh Tường đầu tư dây chuyền công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đa dạng hóa hoạt động kinh doanh xung quanh năng lực cốt lõi. Những cải tiến thay đổi này đã mang lại kết quả khả quan, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, doanh thu Vĩnh Tường tăng đến 5 lần, thậm chí ngay trong khủng hoảng năm 2008 vẫn đạt mức tăng trưởng 80%.

Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh đại diện đơn vị đồng tổ chức Royal Salute, đã đồng tình với quan điểm cho rằng sự thay đổi, cải tiến và sáng tạo là những phương thức hiệu quả nhất để mang lại thành công cho doanh nghiệp thời khủng hoảng: “Thông điệp của chương trình có thể nói là tiền đề tạo đà cho sự phát triển, và tôi tin doanh nhân Việt thế hệ 3.0 đang nắm trong tay nhiều yếu tố thuận lợi để có thể dẫn dắt sự thay đổi và chắc chắn, họ sẽ là nguồn lực mạnh mẽ trong việc dẫn dắt cục diện chung của nền kinh tế”.

NHÀN PHAN

Tin cùng chuyên mục