Chuyện tấm vé

Từ Sài Gòn đến Paris

Nếu để ý, người xem truyền hình tại Việt Nam có thể thấy nhiều sân bóng đá Euro 2016 vẫn còn nhiều chỗ trống. Cái lạ là phần ghế trống ấy lại thường nằm ở khán đài A, cái chỗ ngồi gần sân bóng nhất. Trước giải, UEFA tuyên bố đã bán hết vé, sao vẫn còn chổ trống?

Chuyện là thế này: Vé tại vòng đấu bảng Euro 2016 có 4 mức giá lần lượt là: 55, 85, 105 và 145 eur. Giá tiền cao nhất chính là cái vị trí gần đường biên ngang chứ không phải trên cao khán đài A và B. Tuy nhiên, số vé này lại không phân phối cho các đội bóng tham dự giải, nó được bán trực tiếp ở nước Pháp và đa số đều được dân phe vé thầu mua. Gía vé trên thị trường chợ đen có lúc lên đến 500 eur nhưng chẳng ai mua.

Lý do là UEFA đã phân phối toàn bộ vé cho các đội bóng rơi vào 2 khu vực sau cầu môn, nơi giá rẻ nhất. Nó bảo đảm 2 việc: Thứ nhất, nó phù hợp với các CĐV vốn thường là dân lao động, thu nhập trung bình. Tiền vé thấp thì họ sẽ chi thêm tiền cho việc du lịch, ăn ở. Thứ hai, nó khiến cho ống kính truyền hình trở nên hấp dẫn hơn khi luôn được phủ bởi một màu sặc sỡ của các CĐV cuồng nhiệt. Những đạo diễn hình tại Euro 2016 cũng ưu ái các góc quay gần khung thành hơn là những khán đài dành cho dân có tiền.

Đây là một chi tiết rất đáng lưu tâm trong công tác tổ chức sự kiện. Các nhà tổ chức ưu tiên cho việc quảng bá hình ảnh Euro hơn là nguồn thu từ bán vé. Họ dành những chỗ đẹp nhất để phục vụ dân du lịch muốn đến sân để xem và sẵn sàng chi đậm. Không phải vô cớ mà UEFA bố trí trận Anh – xứ Wales ở một sân bóng chỉ có 35.000 chỗ ngồi trong khi họ dư sức biết, có ít nhất 40.000 sẽ đến sân (trên thực tế là 50.000 người). Bằng những tính toán của mình, UEFA cố gắng để Euro có thể sôi động cả trong và ngoài sân bóng.

Công nghệ tổ chức của Euro đương nhiên là không thể chê vào đâu được, nhưng rõ ràng, luôn có những sự thay đổi qua từng lần tổ chức để biến giải đấu này thành con gà đẻ trứng vàng. Bóng đá Việt Nam có học hỏi được gì, là nằm ở chỗ này. Bởi nói đâu xa, việc tổ chức các trận đấu cho đội tuyển quốc gia suốt bao nhiêu năm qua vẫn không hề cải thiện. Trong khi đó, ở V-League, doanh thu từ bán vé luôn là một bài toán chưa có lời giải. Nguồn lợi từ CĐV chưa bao giờ được bóng đá Việt Nam khai thác một cách hợp lý khiến cho công tác chuyên nghiệp hóa bóng đá cứ đi 1 bước, lại lùi 2 bước.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục