Chuyện thâm cung: Các đệ nhất phu nhân nước Pháp

Chuyện thâm cung: Các đệ nhất phu nhân nước Pháp

Ngồi trên đỉnh quyền lực, bên cạnh tổng thống, họ - những đệ nhất phu nhân, đi theo chồng trong mỗi chuyến công du và đón tiếp quốc khách. Người ta còn gọi họ là các “nữ đại sứ thời trang” và biểu tượng sang trọng của nước Pháp. Báo chí cũng như các nhà bình luận chính trị đều “soi mói” mỗi khi họ xuất hiện. Thế nhưng họ không hiện hữu. Bởi vì sự hiện hữu của họ là tự thân, nên được xem như hòa nhập với đức lang quân. Tồn tại từ thời kỳ mà phụ nữ còn đứng trong bóng tối và chỉ xuất hiện theo yêu cầu của nghi lễ, quy chế đệ nhất phu nhân “bất thành văn” này đã từng làm cho nhiều người đau khổ…

Yvonne De Gaulle, chiếc bóng của con người vĩ đại

Với cả nước Pháp, trước tiên bà là “dì Yvonne”, một cách gọi thân thương để phân biệt với vai trò vợ tướng De Gaulle. Một thần tượng, rồi trở thành biếm họa của nước Pháp. Mờ nhạt, kín đáo. Là một tín đồ ngoan đạo, được giáo dục trong một gia đình quý tộc ở miền Bắc nước Pháp, Yvonne De Gaulle chẳng bao giờ chấp nhận phỏng vấn, vẽ chân dung, không hề xuất hiện trước công chúng.

Chuyện thâm cung: Các đệ nhất phu nhân nước Pháp ảnh 1

Bà Claude Pompidou

Là bạn đường đến giờ phút chót của Charles De Gaulle, bà chăm lo sức khỏe cho ông trong những năm khó khăn sau cuộc bầu cử năm 1965, quên cả bản thân mình. Tháng 5-1968, Yvonne de Gaulle thực sự sợ hãi cuộc nổi dậy của dân Paris. Trong quyển tiểu sử, nhà báo Genevìeve Moll kể: “Khi người ta lái xe chở bà đến một cửa hàng, một kẻ đi đường đã chửi thẳng đệ nhất phu nhân Pháp ngay tại ngã tư đèn đỏ và mấy cô ả bán hàng cũng tham gia chửi ké”. Chuyện này không xa lạ với chính tổng thống Pháp. Mấy ngày trước đó, bà đã tận mắt chứng kiến De Gaulle không còn khả năng kiểm soát đất nước. Biến cố kết thúc và trật tự được vãn hồi cũng không làm cho Yvonne De Gaulle yên tâm về số phận của chồng. Với bà, thời kỳ rối loạn, bị sỉ nhục giữa đường, đã phá hỏng hình ảnh người anh hùng của tướng De Gaulle vào ngày 18-6-1940. Bởi thế, khi ông rời bỏ chức vụ vào năm sau, bà mới thấy thực sự an lòng.

Dù ở nhiều năm trong điện Elysée, dáng dấp mảnh mai của Yvonne De Gaulle đã để lại không nhiều dấu vết. Tác giả Alain Peyrefitte kể rằng bà thích sống tại La Boisserie nhiều hơn. Tại điện Elysée, có một hôm bà nói với Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower: “Tất cả mọi người đều sống tại nhà mình, ngoại trừ chúng tôi!”. Người ta không xem lời thú nhận này là một thể hiện của một hạnh phúc thực sự.

Claude Pompidou, bà lớn trong “căn nhà của kẻ bất hạnh”

Bóng dáng cao lớn của người đẹp tóc vàng Claude Pompidou vừa rời xa chúng ta. Trong số các đệ nhất phu nhân đã từng sống tại dinh tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, bà là người đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng nhất. 13 năm sau khi chồng qua đời (2-4-1974), bà đã tuyên bố: “Điện Elysée, đối với tôi là căn nhà của kẻ bất hạnh”. Dù rằng Georges Pompidou đã trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà ở bến cảng Béthune, thuộc đảo Saint-Louis, nhưng “tòa lâu đài tổng thống” mới là nơi diễn ra cơn hấp hối dai dẳng của ông. Điều hành Hội đồng Bộ trưởng đồng nghĩa với cực hình. Ông phải đối phó với những ánh mắt giễu cợt của những kẻ xem ông như một người sắp chết.

Con gái của ông bác sĩ yêu anh chàng sinh viên sư phạm xuất sắc, giáo sư tại Trường Trung học Henri IV. Bà không bao giờ thích cuộc sống cộng đồng. Khi chồng mình tham gia nội các De Gaulle, thay thế chức vụ thủ tướng của ông Michel Debré năm 1962, bà không muốn thay đổi cuộc sống. Cả hai không sống tại dinh thủ tướng và bà vẫn tiếp tục lui tới các bạn bè trong thế giới nghệ thuật và văn hóa: Sagan, Buffet Vasarely, Alechinski… Nhà Pompidou lui tới các phòng tranh và chỉ lo sưu tập nghệ thuật hiện đại.

Bởi thế khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 15-6-1969 đưa ông lên địa vị tối cao của nước Pháp, Claude Pompidou biết rằng lối sống này cần phải chấm dứt. Năm 1970, bà lập ra một tổ chức dành cho người tàn tật và già cả. Sau này, nó mang tên bà. Mặc đồ của các nhà thời trang Chanel, Cardin, Guy Laroche, những lần xuất hiện của bà đều mang đầy ấn tượng. Chụp ảnh bên cạnh chồng, bà trở thành biểu tượng của nước Pháp hiện đại trong thập niên 1970. Báo chí quốc tế xem Claude là đại diện của nền thời trang Paris vĩ đại.

Thế nhưng kết thúc tại điện Élysée là những ngày hấp hối của ông. George mập phì lên, mệt mỏi và vô cùng đau đớn. Các bác sĩ đến liên miên, bạn bè viếng thăm trong ánh mắt ái ngại sâu sắc. Bà căm ghét cái thế giới chính trị đang bao vây và cuối cùng làm kiệt sức người đàn ông yêu quý của mình…. 

Đinh Công Thành (theo LFM)

Tin cùng chuyên mục