Hai năm gần đây, đã nhiều lần đi công tác cùng ông, ngang dọc Trường Sơn, về lại chiến trường xưa, trao nhà, khởi công đền tưởng niệm liệt sĩ, bàn giao trạm xá… Chuyện chiến đấu, chuyện hy sinh của đồng đội đã được nghe ông kể nhiều. Nhưng có một góc nhỏ trong con người ông gần đây chúng tôi mới được biết. Đó là chuyện tình của ông và hơn 500 bức thư suốt hai thời kháng chiến mà ông còn lưu giữ. Đọc những bức thư đó, tuy là chuyện riêng tư, nhưng sẽ hiểu hơn vì sao mà chúng ta chiến thắng. Nhân ngày lễ Tình nhân 14-2 năm nay, kể lại câu chuyện của ông bà cũng là một cách để hiểu thêm về tình yêu.
Từ Chiến khu Ba Lòng...
Người mà chúng tôi nói đến ở trên, không ai xa lạ, chính là Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559, hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tết Quý Tỵ này, ông đã bước qua tuổi 87, tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn hừng hực lửa chiến sĩ Trường Sơn. Những chuyến công tác quan trọng của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng vẫn không thiếu bóng dáng ông. Vẫn ấm áp tình cảm của một người nặng nợ Trường Sơn, với bao ước vọng về đền ơn đáp nghĩa vùng đất huyền thoại và những con người chân chất, gắn bó cả cuộc đời với nó.
Tháng trước, cùng ông bay ra Quảng Bình, dự lễ khánh thành bản làng Ho, một công trình của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Trước khi máy bay cất cánh, nghe ông thỏ thẻ vào điện thoại: “Tôi chuẩn bị bay rồi nha bà”. Xuống sân bay, lại thấy ông bấm điện thoại: “Tới rồi nha bà”. Soạn va-li cho ông, lại thấy có chuối, bánh ngọt… những thứ ông thích dùng hàng ngày, do bà chuẩn bị. Ông cười, cho biết: “Bà mới khỏe dậy sau cú ngã phải nằm điều trị hơn 3 tháng, nhờ vậy ông mới đi được, chứ bà chưa khỏe, chắc ông không nỡ đi”. Nói về bà, bao giờ ông cũng dành những từ ngọt ngào nhất. Trong mạch chuyện ấy, tôi may mắn được nghe ông kể về 500 bức thư tình của ông.
Bà mang tên một loài hoa, không rực rỡ nhưng hương rất đậm đà, quyến rũ - Nguyễn Thị Ngọc Lan. Quê Hương Khê, Hà Tĩnh, nhỏ hơn ông 5 tuổi. 17 tuổi, xếp bút nghiên vào chiến trường. Tại đây, bà đã gặp ông khi là nhân viên văn thư của Phòng Chính trị Mặt trận Bình Trị Thiên. Ông hồi tưởng: “Bà không đẹp nhưng hiền, rất nề nếp”. Có lẽ cái nết đã trở thành “tiếng sét”, nên chỉ hai lần gặp thì trái tim chàng thanh niên đang lẫy lừng chiến tích, Tỉnh đội trưởng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, bị đập loạn nhịp và hạ quyết tâm phải có bà trong cuộc đời. Ông nói phải quyết tâm vì bà khó lắm. Hẹn nhiều lần mới chịu gặp, phải báo cáo chi bộ, khi gặp phải có một vài người khác ngồi quanh. Đã vậy, bà còn khăng khăng phải được gia đình đồng ý mới quen. Ông phải nhờ cấp trên viết thư về cho ông ngoại và thầy mẹ của bà, được họ chấp thuận, ông mới chính thức quen bà… Ông cười mãn nguyện: “Gian nan lắm nhưng đúng là ông may mắn có được bà”. Có lẽ vì thế mà bức thư đồng ý của ông ngoại vợ đến giờ ông vẫn còn giữ, nó và tờ đăng ký kết hôn đã trở thành một trong những tài sản vô giá của ông.
Đám cưới ông bà được tổ chức vào ngày 9-11-1952 tại Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) nhân một hội nghị tổng kết của mặt trận. Lễ cưới đơn sơ, chỉ có kẹo, thuốc lá từ Huế mang lên nhưng ấm áp. Bà ngồi cắt hoa giấy suốt mấy ngày để trang hoàng lễ cưới. Hương lửa đang mặn nồng thì chưa đầy tuần sau ông lên đường đi Việt Bắc. Ròng rã nhiều năm trời như vậy, chồng miệt mài chinh chiến, vợ cứ vò võ mong ngóng. Những lá thư, vì vậy, trở thành nơi duy nhất để hai người chia sẻ, bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ nhung…
Những cánh thư không mỏi
Giờ ông còn giữ được khoảng 500 lá thư của ông bà và người thân gửi cho nhau những năm tháng ấy. Năm 1952, 43 thư. Đó là những cánh thư đầu tiên kể từ khi ông bà biết nhau, thư ông gửi ông bà, thầy mẹ, các em của ông và bà, những ngày xa nhau sau khi cưới…
3-6-1952
Được thư em sáng nay, kế hoạch vừa xong, viết thư cho em để cùng mừng thắng lợi. Kể qua trận thắng cho em rõ… (gửi từ chiến trường - NV)
6-12-1952
Sáng nay viết thư gửi em trước khi đi. Giấy này có ghi hết nỗi lòng anh không? Hương Khê, Minh Cần, Ba Lòng xa dần. Đọc mãi thư em để tìm nhưng không bao giờ hết nguồn thương sâu nặng… Đến nhà một thoáng mưa, ngày 30-11. Có lẽ lúc nớ em cũng đang nghĩ đến nhà và đếm bước anh đi. Vắng em tình thương trút cả ở anh… Càng nhớ em hơn! (khi về thăm nhà bên vợ - NV)
26-12-1952
Ở đây gặp một số con anh em cán bộ đưa lên cho đi học, những đứa bé xinh xinh hứa hẹn một tương lai tươi đẹp. Mọi người mến chúng và cảm thấy vui nhiều trong chiến đấu của mình, có nhiều người nói 9, 10 năm nữa mình sẽ có những đứa như thế. Trong ni năm nay có rét nhiều không? Bọn anh đêm nào cũng có bếp lửa, anh vẫn nhớ lời em dặn… (viết từ Việt Bắc - NV)
Năm 1955, 36 thư, lúc ông ra Hà Nội chờ đi học, về Ban Nghiên cứu sân bay.
22-12-1955
Thế là chỉ còn mấy ngày nữa sẽ hết năm. Sáng nay ở đây vừa làm lễ xong. Hôm qua em đã nhận được thư anh. Còn gì vui sướng hơn trong lúc đang mong và nhớ thì được thư anh. Em đã đọc rất nhiều lần. Thương anh nhiều vô hạn…
Có thời kỳ ông bà ở rất gần nhau, theo lời bà thì chỉ khoảng 500m đường chim bay, thế nhưng những dịp gặp nhau cũng rất hiếm hoi. Ông bà vẫn viết nhật ký để chia sẻ tình cảm, nỗi nhớ nhung và cả vui buồn trong công tác. Ông kể có lần tranh thủ về thăm nhà thì bà và các con đi vắng. Lật nhật ký vợ, thấy thương quá, ông cũng viết vào đó.
Nhật ký viết lúc 10 giờ 30 đêm 12-2-1966
13 năm rồi, nếu tính từ ngày mình gặp gỡ thì đúng 14 năm 8 ngày. Ngoài trời gió mưa đang thổi, anh như nghe cả hơi thở của em và nhìn thấu đáo tâm tư tình cảm của em lúc này: thao thức nhớ anh và con với những ý nghĩ của những ngày kháng chiến trong điều kiện mới.
Ừ, tình cảm cuộc sống của ta đã qua hai kỳ kháng chiến, từ những phút hồi hộp và bồng bột buổi đầu, đến những giờ phút hạnh phúc bên nhau rất ít ỏi trong kháng chiến mà nói với nhau nhiều, yêu nhau nhiều qua những lá thư và hăng say trong công tác, trong chiến đấu… Những dòng ghi của em: “…Hy sinh đối với nhiệm vụ. Tình cảm dẹp xuống để đón một sự nghiệp lớn hơn” càng thôi thúc anh nhiều…
Không chỉ ông mà bà cũng phải có lúc chia tay chồng con, lên đường đi xa. 3 năm bà ở Tiệp Khắc, không một lần về thăm nhà, những cánh thư cũng là mối liên hệ gần như duy nhất giữa ông bà. Những cánh thư qua lại trong thời gian này ông xếp vào loại “những cánh thư đặc biệt”.
7-5-1975
Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng. Nhiều cảm xúc thật đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua, bây giờ phải dành thời gian để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó…
Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tư do thống nhất Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh khác, trẻ lại hàng chục tuổi.
Praha tối 7-6-1975
Em đã nhận được thư anh viết ngày 28-5 ở Hà Nội. Đó là thư đi nhanh nhất so với từ trước đến nay. Không có gì mừng hơn khi một lúc nhận được 6 thư. Em mừng quá sức, từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và mừng vui vô hạn, tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh. Từ nay em bớt đi một phần lo lắng, cái lo lắng thường xuyên như cơm bữa. Nó đã theo Mỹ ngụy cút luôn rồi. Giá trị của độc lập hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ.
...Đến thành phố mang tên Bác
Ông đã được phong tướng cách đây hơn 30 năm. Nghỉ hưu, ông bà chuyển vào TPHCM sinh sống. Vô tình hay hữu ý không biết mà con đường nơi ông sinh sống hiện nay cũng mang tên Trường Sơn, hai từ gắn bó với ông nhiều nhất thời chiến tranh. Nó cũng là hai từ khiến ông đau đáu tuổi già mà không chịu nghỉ, vì muốn trả ơn nghĩa đồng đội, với những người đã ngã xuống. Tất cả những nỗi niềm đó của ông đều được bà chia sẻ. Ông nói đó là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ông. Còn với bà, ông mãi là thần tượng.
Bà nói: “Ông tốt với tất cả mọi người, không chỉ người thân trong nhà. Và dĩ nhiên, cả với bà. Bà không có gì chê trách được ông, dù ba mặt con đều một tay bà chăm bẵm. Ông chưa hề giặt giúp được một cái tã, nhưng bà vẫn cảm nhận được tình yêu đầy ắp mà ông dành cho bà và các con. Hơn 60 năm rồi, tình cảm ấy chỉ có dày thêm chứ không mỏng đi”. Bà tâm sự: “Sợ nhất là khi lỡ nói ra điều gì đó mình thích, bởi ông sẽ cố làm cho bằng được. Ông là vậy đó, sống hết mình, yêu thương hết mình. Lãng mạn lắm…”.
Những người trong nhà kể lại, ngày bà bị ngã, ông đứng ngồi không yên. Khi bà từ viện về nhà, ông không chịu đi đâu cả mấy tháng trời. Tự tay đo huyết áp cho bà mỗi ngày, tự tay đưa thuốc… chăm cho bà từng ly từng tí. Ông chu đáo, nồng nàn như thời còn trai trẻ. 60 năm sống với nhau, với ông, vẫn không có gì cũ. Ông bà vẫn thường cùng nhau đọc lại những dòng thư cũ, để cảm nhận tình yêu của mình vẫn tươi mới. Nhìn ảnh ông bà dắt tay nhau trong album ảnh cưới 60 năm, sẽ không ai có thể nghi ngờ về điều đó.
Gặp ông bà, sẽ cảm nhận được tình yêu không có tuổi, tình yêu không biết già là có thật trên cuộc đời này…
HƯƠNG UYÊN