Đi qua cầu Hiền Lương, sông Bến Hải phải đi thật chậm, thật chậm mới cảm nhận hết mỗi tấc đất, mỗi khúc sông ghi dấu biết bao nhiêu chiến tích. Trong từng tấc đất ấy, để giữ vững nền độc lập, có biết bao nhiêu mồ hôi, máu xương của đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc. Ở đó, còn có những mối tình nảy nở bất chấp bom đạn…
Nhớ anh, em ra sông giặt áo
Đến thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hỏi ông Trần Ngọc Châu thì ai cũng biết. Bởi lẽ chuyện tình của ông Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Dĩnh là một trong những chuyện tình đẹp thời chiến ở vùng chiến tuyến này.
Ông Trần Ngọc Châu đã trên 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và tinh thông. Ông vẫn nhớ như in những năm tháng đầy sóng gió của cuộc đời mình: “Vùng phía Nam sông Bến Hải là vùng đất thấp, năm nào cũng bị lũ lụt. Do vậy, nhà nào cũng có một gác gỗ ở phía trên để phòng khi lũ lớn người và đồ vật tạm sơ tán lên đó. Người ta gọi gác gỗ đó là rầm thượng. Đám cưới của tôi không có đón dâu. Chú rể là tôi, trong ngày cưới không đứng cạnh cô dâu mà phải... nằm trốn trên rầm thượng gần cả ngày vì địch lùng bắt những người tham gia kháng chiến gắt gao. Qua khe hở, tôi nhìn xuống phía dưới thấy bà vợ tôi đang bái lạy gia tiên mà lệ cứ chảy tràn. Mọi người đứng xung quanh cũng khóc theo. Tôi như chết lặng ở trên đó. Đám cưới xong, tôi đi ngay đến thôn Xuân Long, cách đó một cánh đồng và chạng vạng tối thì vượt sông qua bờ Bắc”.
Qua bờ Bắc, ông Châu vào lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng). Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, ông được điều về công tác tại đồn Hiền Lương. Cách vợ vài bước chân, nhưng vì nhiệm vụ, nên tuy gần mà xa vời vợi. Bên bờ Nam, bà Dĩnh biết ông Châu đang ở bờ Bắc nhưng cũng không biết cách nào để bắt liên lạc. Nỗi nhớ thương cứ ngày đêm dâng trào trong lòng. Mỗi lần thấy bóng dáng của ông trên cầu Hiền Lương, bà lại giả vờ mang chậu quần áo ra sông giặt giũ, cốt để nhìn thấy chồng.
Còn ông Châu, mỗi khi thấy bóng dáng của vợ, ông lại xốn xang và bước vội về phía bờ Nam để nhìn cho rõ. Có những lúc, ông sợ vợ mình không nhận ra, nên đằng hắng thật to để ra hiệu cho bà biết. Những cử chỉ, hành động chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được nhau. Không ít lần, ông muốn chạy qua ôm chầm lấy vợ nhưng ông đành bất lực cùng nỗi buồn vô hạn.
Tái ngộ
Chẳng bao lâu, kẻ thù cũng “đánh hơi” và phát hiện những cặp vợ chồng như ông Châu, bà Dĩnh và tìm mọi cách để ngăn cản. Một tiểu đội quân ngụy được tăng cường và tên nào cũng tìm mọi cách để tiếp cận, tán tỉnh những người phụ nữ có chồng ở bờ Bắc như bà Dĩnh. Suốt mười ba năm ròng, hai vợ chồng ông Châu, bà Dĩnh chịu đựng. Họ gửi nỗi nhớ, niềm thương theo cùng con nước của sông Bến Hải.
Đến năm 1963, ông Châu được tổ chức bí mật đưa về bờ Nam công tác. Ông vui mừng gặp lại người vợ sau bao nhiêu năm xa cách. Mãi đến năm 1968, hai vợ chồng ông Châu, bà Dĩnh mới có đứa con đầu lòng. Đó là kết quả ngọt ngào của một mối tình gian nan, trắc trở và đầy kỷ niệm khó quên. Thời gian này, Mỹ - Ngụy tăng cường càn quét ở bờ Nam. Vùng giới tuyến ngày nào cũng mịt mù bom đạn. Chúng mở nhiều trận càn nhằm hủy diệt sự sống nơi mảnh đất chiến tuyến này. Sự sống và cái chết của người dân hai bờ sông Bến Hải chỉ cách nhau trong gang tấc. Đồng bào bờ Nam buộc phải sơ tán ra bờ Bắc. Riêng bà Dĩnh nhận nhiệm vụ ra Tân Kỳ, Nghệ An. Còn ông Châu ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu.
Giờ thì ông Châu đã ở tuổi xưa nay hiếm, còn bà Dĩnh đã không còn nữa. Trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, dòng người, xe, ngày đêm nối đuôi nhau từ Nam ra Bắc và ngược lại. Song, trong mắt tôi vẫn cứ hiện về bóng dáng của những bà Dĩnh, ông Châu, bóng dáng của những người dân hai bờ sông Bến Hải một thuở - những người góp phần làm nên những dấu ấn vùng giới tuyến lịch sử.
ĐÀO TRƯỜNG SAN