Ông người Hà Nội nhưng vào Nam hoạt động, được kết nạp Đảng ở Thủ Dầu Một, rồi tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia cướp chính quyền ở quê nhà. Trải qua nhiều nhiệm vụ, công tác khác nhau, ông về hưu năm 1981. Đó là lão thành cách mạng Phạm Thạch Tâm, năm nay 95 tuổi và có 75 năm tuổi Đảng.
1. Được Văn phòng Đảng ủy phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông ở trong khu tập thể Nam Đồng. Con trai ông, bác Phạm Thanh Bình cùng ông đã tiếp và kể lại những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Ông sinh ngày 5-5-1920 ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bố ông Phạm Thạch Tâm là Phạm Gia, vốn là giáo viên và tham gia hoạt động Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội từ năm 1926. Cụ Phạm Gia vào Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929 và hoạt động chủ yếu ở Nam Định, sau đó bị lộ nên về hoạt động ở quê nhà, xây dựng chi bộ Đảng tại làng Đông Phù. Năm 1930, cụ Phạm Gia được cử xuống vùng Quảng Ninh hoạt động với phong trào công nhân và xây dựng cơ sở Đảng. Do cơ sở bị lộ bên cụ Phạm Gia và một số đồng chí bị giặc Pháp bắt ở đây và kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Đến năm 1936, dưới sức ép của phong trào Dân chủ Đông Dương, cụ Phạm Gia được thả ra, nhưng bị quản thúc ở quê nhà. Tuy nhiên, cụ vẫn tiếp tục tham gia hoạt động bí mật, gây dựng tổ chức, phong trào ở Thanh Trì và vùng Thường Tín, Hà Đông (nay đều thuộc Hà Nội).
Ảnh hưởng trực tiếp từ người bố của mình, ông Phạm Thạch Tâm tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc ở quê nhà ngay khi bố mình từ Côn Đảo trở về. Do gia đình bị Pháp quản chế, theo dõi gắt gao, cuối năm 1939, ông và một số người bạn nhảy tàu hỏa vào Sài Gòn. Tại vùng Hóc Môn và Thủ Dầu Một, ông tìm gặp một số người bà con ở quê vào đây sinh sống và được biết họ cũng đang hoạt động bí mật của tổ chức Đảng nơi đây. Nối lại hoạt động, ông Phạm Thạch Tâm tham gia công tác giao liên giữa Xứ ủy Nam kỳ và Hà Nội. Ông kể lại rằng, vốn có biệt tài “nhảy tàu”, khi có tài liệu cần chuyển ra Hà Nội, ông lại được giao làm việc đó. Giấu kỹ tài liệu trong người, ông nhảy tàu trốn vé đi ra Bắc và không bao giờ đến tận ga Hà Nội, khi tàu tới Thường Tín hoặc Văn Điển là đã nhảy xuống. Sau khi đến cơ sở trao tài liệu xong, ông lại bí mật chờ để mang tài liệu từ Hà Nội vào Sài Gòn và khi đó lại “nhảy tàu” vào Nam... “Khi đó thời kỳ cách mạng và các phong trào đang lên cao, nên tôi nhảy tàu đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn liên tục. Thỉnh thoảng cũng bí mật ghé qua thăm nhà được...” - ông Tâm kể.
Ông Phạm Thạch Tâm và con trai Phạm Thanh Bình.
2. Tháng 7-1940, ông Phạm Thạch Tâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. “Tôi chủ yếu hoạt động ở vùng Hóc Môn (Sài Gòn). Nhưng khi kết nạp Đảng lại diễn ra ở Thủ Dầu Một (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Hai bên chỉ cách nhau con sông. Kết nạp ban đêm, xong thì lại vượt sông về Hóc Môn trong đêm luôn...” - ông Tâm nhớ lại. Sau khi kết nạp Đảng, ông tiếp tục làm công tác giao liên, chuyển tài liệu ra Bắc vào Nam và chuẩn bị phong trào cơ sở tại khu vực Hóc Môn. Tháng 11-1940, khi khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra ông trực tiếp tham gia cùng các đồng đội ở Hóc Môn, sau đó bị quân Pháp đàn áp nên ông và một số đồng chí rút về Tây Ninh. Nhằm tránh sự truy lùng của Pháp, ông lại bí mật “nhảy tàu” ra Bắc và tham gia hoạt động ngay tại quê nhà. Thời kỳ này, ông làm Bí thư Chi bộ xã Đông Mỹ. Tháng 7-1944, do bị chỉ điểm, Pháp bắt ông và kết án 20 năm tù ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 17-8-1945, trước sức ép của cuộc Cách mạng Tháng Tám đang diễn ra hết sức mạnh mẽ ở Hà Nội cũng như cả nước, ông Phạm Thạch Tâm và những người tù chính trị ở Hỏa Lò được trả tự do. Ngay sau đó, ông về quê và tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở vùng Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội.
Sau khi khởi nghĩa thành công, ông được cử xuống Thường Tín xây dựng chi bộ ở đây và trở thành Bí thư huyện ủy đầu tiên của huyện Thường Tín (khi đó thuộc tỉnh Hà Đông). Tiếp đó, ông được cử lên làm Bí thư huyện Phúc Thọ, sau đó là Bí thư thị xã Sơn Tây cũng thuộc tỉnh Hà Đông bấy giờ và nay là thuộc Hà Nội. Đến năm 1950, ông Tâm được điều vào quân đội. Theo hoạt động của đơn vị, ông tham gia Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hòa Bình và khi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 diễn ra, ông công tác tại Cục Quân lực. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Phạm Thạch Tâm là Chủ nhiệm Chính trị mặt trận B5 ở Quảng Trị, giai đoạn 1968 - 1970. Sau đó, do bị thương nên ông được rút ra miền Bắc. Trải qua nhiều nhiệm vụ, công tác ở Binh chủng Pháo binh và Binh chủng Tăng thiết giáp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương... Năm 1981, trước khi nghỉ hưu ông Phạm Thạch Tâm là Đại tá, Phó Chính ủy Quân khu Thủ đô.
3. Sau khi về hưu, ông Phạm Thạch Tâm về sống cùng con trai mình ở khu tập thể Nam Đồng. Là đảng viên kỳ cựu và từng tham gia quân đội, ông cùng nhiều đồng đội đã dồn tâm huyết vào việc vận động thành lập, xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói chung và Hội Cựu chiến binh Hà Nội nói riêng. Con trai ông, bác Phạm Thanh Bình (sinh năm 1948) cho biết, kể từ khi nghỉ hưu, ông sinh hoạt Đảng tại Chi bộ 6, phường Nam Đồng. Tuổi cao, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng chính quyền ở cơ sở, tích cực giáo dục con cháu và vận động nhân dân trong khu phố chấp hành các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cách đây 3 năm, khi sức khỏe không cho phép, ông mới nghỉ chức Bí thư Chi bộ của tổ dân phố. “Dù sức khỏe và trí nhớ không còn thật tốt. Nhưng bố tôi vẫn thường xuyên nghe đài, xem tivi, đọc báo, bàn luận chuyện thời sự của đất nước; vẫn để tâm nghiên cứu các nghị quyết của Đảng và chính sách mới của Nhà nước. Bố tôi thường nói rằng: Công cuộc cách mạng ở thời kỳ nào cũng có những khó khăn, gian khổ, thử thách. Nếu vững vàng, quyết tâm, đoàn kết tốt thì sẽ vượt qua khó khăn và đi đến thành công. Với con cháu, bố tôi luôn dạy rằng phải luôn sống trung thực, chân thành; không được tham ô, tham nhũng và cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao...” - bác Phạm Thanh Bình kể lại.
Cuối tháng năm ngoái, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm và trực tiếp trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho ông Phạm Thạch Tâm. Khi nói về chuyện đó, ông cho biết: “Làng tôi hiện có 3 người 75 tuổi Đảng đang còn sống. Đó là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Thọ Chân ở TPHCM và tôi!”.
TRẦN LƯU