Mặc dù không được chứng kiến quá trình làm việc đầy gian khổ của Đỗ Khang Ninh cùng các cộng sự khi thực hiện dự án “Phát triển và sử dụng khí thiên nhiên”, không được chứng kiến giây phút thăng hoa của lịch sử khi ngành dầu khí đón mừng dòng khí đầu tiên tiếp bờ vào ngày 1-5-1995, thế nhưng, nhìn nét xúc động hiện rõ trên khuôn mặt của anh khi đọc bài diễn văn khai mạc tại “Lễ kỷ niệm 15 năm ngày đưa dòng khí vào bờ”, tôi đã thật sự hiểu được rằng, ngành công nghiệp khí (CNK) Việt Nam và mỗi chặng đường phát triển của nó đã gắn bó với anh như thể là máu thịt…
Gần 10 năm dõi theo sự phát triển của ngành Dầu khí, vậy mà cho đến tận bây giờ tôi mới biết, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngành CNK Việt Nam chính là vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – anh Đỗ Khang Ninh. Chẳng phải là tôi không quen biết anh, hay ít khi làm việc, ít viết bài về PV GAS, mà là bởi anh quá trầm lặng và rất kiệm lời khi nói về cá nhân mình.
Trong cảm nhận lâu nay của tôi, Đỗ Khang Ninh không có phong cách giống như những vị doanh nhân thành đạt “ăn to, nói lớn”, cũng chẳng giống những vị lãnh đạo doanh nghiệp có vóc dáng oai phong, bệ vệ, mà ngược lại anh có dáng người tầm thước, thanh mảnh của một nhà giáo. Anh cũng không phải là một người có tính tình hoạt náo, quảng giao, mà ngược lại, ở anh luôn toát ra sự điềm tĩnh pha chút trầm lặng của một nhà khoa học…
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngay từ những năm tháng còn là học sinh trung học, Đỗ Khang Ninh đã luôn là con ngoan, trò giỏi, luôn là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Nhờ học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên và có điểm thi đại học xuất sắc, nên năm 1978, Đỗ Khang Ninh đã được Đảng và Nhà nước ta đưa sang Liên Xô đào tạo. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Dầu khí Matxcova, Đỗ Khang Ninh đã trở về gắn bó, làm việc cùng với ngành dầu khí Việt Nam ngay trong khoảng thời gian đất nước còn rất nhiều gian khổ. Dù vậy, vượt qua tất cả những thử thách, vượt qua sự hụt hẫng, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần khi phải xa gia đình, xa quê hương, tình yêu đối với ngành Dầu khí và quê hương đất nước đã giúp anh đứng vững ở miền đất Vũng Tàu đầy khó khăn thời ấy. Tính đến ngày hôm nay, với 30 năm dài cống hiến, anh gần như đã dành trọn cuộc đời mình cho ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp khí (CNK).
Có thể nói, gần 21 năm hình thành, mỗi chặng đường phát triển, mỗi mốc son của ngành CNK đều có dấu ấn của anh Đỗ Khang Ninh. Những người làm ngành Dầu khí mãi mãi không bao giờ quên những năm tháng phôi thai dự án “Phát triển và sử dụng khí thiên nhiên” mà anh Đỗ Khang Ninh cùng những cộng sự, những bậc tiền bối của anh là Nguyễn Quang Hạp, Vũ Đình Chiến… đã miệt mài kiếm tìm nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện bằng được dự án trong bối cảnh khó khăn khi triển khai công trình khoa học đầu tiên về khí ở Việt Nam nói chung, ở Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Vietsovpetro nói riêng thời bấy giờ.
Mặc dù không được chứng kiến quá trình làm việc đầy gian khổ ấy của Đỗ Khang Ninh cùng các lãnh đạo và cộng sự của anh, không được chứng kiến giây phút thăng hoa của lịch sử khi ngành Dầu khí, mừng vui đón dòng khí đầu tiên vào bờ vào ngày 1-5-1995, thế nhưng, nhìn nét xúc động hiện rõ trên khuôn mặt của Đỗ Khang Ninh khi anh đọc bài diễn văn khai mạc “Lễ kỷ niệm 15 năm ngày đưa dòng khí vào bờ”, tôi đã thật sự hiểu được rằng, ngành CNK Việt Nam và mỗi chặng đường phát triển của nó đã gắn bó với anh như thể là máu thịt…
“15 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương. Là một trong những người tham gia chỉ đạo hoàn thành đề án, tôi không thể nào quên phút giây chứng kiến dòng khí đầu tiên tiếp bờ. Đó là cảm xúc choáng ngợp khi giấc mơ của nhiều thế hệ dầu khí VN đã trở thành hiện thực, đã chuyển được toàn bộ nguồn năng lượng đang bị đốt bỏ lãng phí ngoài biển khơi trở về phục vụ cho nhân dân, đất nước. Vâng, để có được phút giây hạnh phúc nhìn thấy ngọn đuốc khí bừng sáng tại Dinh Cố, đã có biết bao cán bộ chiến sĩ âm thầm phục vụ và cống hiến, đã có biết bao giải pháp khắc phục khó khăn, biết bao sáng kiến phù hợp với thực tế được triển khai trong điều kiện công trình hoàn toàn mới, và trong bối cảnh mà trình độ kỹ thuật máy móc ở nước nhà còn rất nhiều hạn chế. Đó cũng chính là mồ hôi nước mắt trên những công trình kéo dài từ biển về bờ, và đó cũng chính là tình hữu nghị dành cho VN của bạn bè, các đối tác trong những ngày gian khó nhất. Chính những cảm xúc của thời kỳ gian khó ấy mà chúng tôi và những người đồng đội luôn tâm niệm sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển của ngành CNK, và đã tạo nên được những thành quả vượt bậc như ngày hôm nay” – Đỗ Khang Ninh đã nói như thế trong niềm xúc động xen lẫn những tự hào.
Thực tế cho thấy, từ một kỹ sư thiết kế đường ống bể chứa dầu khí, đến nay dù đã từng ở nhiều vị trí công tác khác nhau, anh vẫn luôn thể hiện sự năng động sáng tạo và nỗ lực cống hiến hết sức mình cho công việc. Anh cũng chính là một trong những đại diện cho lực lượng lãnh đạo Dầu khí trẻ, trưởng thành trong quá trình đưa ngành Dầu khí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Từ năm 2004 đến nay, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị, rồi Tổng Giám đốc PV GAS, Đỗ Khang Ninh ngày càng thể hiện rõ vai trò là một nhà lãnh đạo tài năng, đầy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành Dầu khí. Chính anh đã trực tiếp tham gia các dự án lớn về thiết kế - xây dựng các tuyến ống dẫn khí đầu tiên của đất nước như: Trực tiếp thực hiện các tính toán công nghệ trong luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình khí Bạch Hổ - Thủ Đức, tuyến ống nội bộ mỏ Bạch Hổ và từ mỏ Bạch Hổ vào bờ - đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chấm dứt đốt bỏ khí ngoài khơi đem vào cung cấp cho các nhà máy điện sử dụng có hiệu quả. Anh cũng chính là đồng tác giả của các ý tưởng và là người trực tiếp thực hiện các tính toán, đưa 1 triệu m3 khí/ngày đêm vào bờ ba èng áp suất vỉa không cần máy nén, đem lại doanh thu hơn 50 triệu USD chỉ trong 2 năm; rồi ngay sau đó lại tiếp tục nâng công suất khí vào bờ từ 1 triệu m3/ngày đêm lên 2 rồi 3 triệu m3/ngày đêm, làm lợi cho đất nước hơn 30 triệu USD mỗi năm. Đồng thời anh cũng là Giám đốc Dự án (project manager) trực tiếp chỉ huy việc thiết kế - xây dựng Nhà máy Khí hóa lỏng Dinh Cố. Đây là công trình khá phức tạp, công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam, dự án đạt tiến độ kỷ lục 18 tháng, giá trị quyết toán giảm so với tổng dự toán được phê duyệt, tiết kiệm cho nhà nước hơn 9 triệu USD... Hơn 20 năm qua, cùng với tập thể lãnh đạo qua nhiều thời kỳ, tập thể người lao động đoàn kết, hăng say và tận tâm, anh Đỗ Khang Ninh đã từng bước đưa Tổng Công ty Khí Việt Nam – trở thành một trong những tổng công ty chủ lực - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí toàn quốc, với nhiệm vụ chính là thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí. PV GAS đã xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh về lĩnh vực khí với tổng tài sản gần 3 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm 2008; có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao, trong đó, giai đoạn 2008-2012 đạt trên 30%/năm (doanh thu năm 2012 gần bằng 3 lần năm 2008). Doanh thu hàng năm của PV GAS chiếm khoảng 10% doanh thu toàn Tập đoàn, bằng 2,5% GDP cả nước; cung cấp khí cho 11 nhà máy điện, 2 nhà máy đạm và nhiều hộ công nghiệp (năm 1995 chỉ có 1 nhà máy điện), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực quốc gia; đảm bảo nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất trên 40% tổng sản lượng điện quốc gia, 70% nhu cầu đạm cả nước, đáp ứng trên 60% nhu cầu khí hóa lỏng toàn quốc. Cùng với 2 nhà máy sản xuất ống thép và bọc ống đang vận hành, PV GAS có thể đáp ứng 100% nhu cầu ống thép Dầu khí và bọc ống trong nước.
PV GAS là một trong 3 đơn vị thành viên hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đứng trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Top 10 các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, trở thành nhà cung cấp khí khô duy nhất và đơn vị sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam. Đặc biệt, việc cổ phần hóa thành công PV GAS vào tháng 11-2010 cũng đã ghi đậm dấu ấn Đỗ Khang Ninh cùng tập thể lãnh đạo PV GAS, khi mà phương án, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa do đơn vị đề xuất đã đem lại cho PV GAS lợi thế lớn về kinh doanh, thương mại, và việc lên sàn đã làm tăng giá trị doanh nghiệp của PV GAS, làm lợi cho nhà nước gần 10 tỷ USD.
Là người đã từng trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nghiên cứu khoa học, thiết kế, quản lý dự án, vận hành bảo dưỡng sửa chữa và quản trị doanh nghiệp, nên dưới sự lãnh đạo của anh Đỗ Khang Ninh, PV GAS đã thật sự lớn mạnh chưa từng có. Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi, anh vẫn luôn khẳng định rằng, sự thành công ấy chính là nhờ PV GAS có được đội ngũ lãnh đạo vững vàng, lực lượng CBCNV tận tâm, giỏi nghề và chuyên nghiệp; là nhờ PV GAS được kế thừa các kinh nghiệm cũng như những thành quả quý giá mà các thế hệ lãnh đạo, đàn anh đi trước để lại, và đặc biệt là nhờ có được sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Anh cũng cho rằng, đối với ngành khí, công tác an toàn phải đặc biệt được coi trọng. Đây là một thách thức và cũng chính là vấn đề sống còn của ngành CNK, vì vậy các thế hệ lãnh đạo của PV Gas đều quan tâm chỉ đạo sát sao. Hiện tại PV GAS đã xây dựng thành công hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn Quốc tế OHSAS 18001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý ISO 9001… Và anh kỳ vọng trong tương lai PV Gas sẽ phát triển ngày càng hùng mạnh và sẽ sớm trở thành một Gasprom của Việt Nam…
Nhờ có những đóng góp to lớn cho ngành Dầu khí nên Đỗ Khang Ninh đã nhiều lần được nhận các danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng như danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Dầu khí”, “Doanh nhân - Nhà quản lý giỏi ngành Dầu khí”, Huân chương Lao động hạng 3 và gần đây nhất (năm 2012) là Huân chương Lao động h ạng 2. Tất cả những danh hiệu đó không chỉ phần thưởng dành tặng cho một người đã có công đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngành công nghiệp khí, mà còn là phần thưởng khẳng định vai trò lãnh đạo của anh – của một Bí thư Đảng ủy, của một vị Chủ tịch mẫn cán đầy trách nhiệm, và của một vị tổng giám đốc tài năng, luôn sáng tạo, vững tay chèo lái, đưa ngành CNK vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để gặt hái được những thành quả như hôm nay.
S.Nâu