Chuyến vượt biên bão táp

Chuyến vượt biên bão táp

Một phóng viên truyền hình tìm cách tham gia một chuyến vượt biển cùng những di dân nghèo châu Phi tìm cách vào châu Âu qua ngã quần đảo Canary (Tây Ban Nha). Ông vừa kể lại với hãng tin Reuters về chuyến mạo hiểm này – nhằm tìm hiểu nạn nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu ngày càng gia tăng – thật hãi hùng nhưng vẫn còn may mắn vì chưa bị mất mạng giữa biển khơi...

Chờ đợi và bị lừa

Chuyến vượt biên bão táp ảnh 1

Tuần duyên Tây Ban Nha cứu 55 người châu Phi nhập cư hôm 6-11, ít nhất 45 người khác bỏ mạng vì đói khát và lạnh ở ngoài khơi Đại Tây Dương

Dominique Christian Mollard, 58 tuổi, từng là cựu binh ở Afghanistan và Somalia, hiện là nhân viên bí mật của một tổ chức phi chính phủ và là một phóng viên truyền hình độc lập ở Rabat (Morocco). Với trang phục kiểu Phi và da rám nắng, Mollard hòa nhập vào một nhóm người Phi sống cùng phòng ở Nouadhibou (Mauritania), chia sẻ những giấc mơ về châu Âu của họ và cùng chờ đợi cơ hội được lên một thuyền đánh cá hướng đến quần đảo Canary. Nouadhibou là một cảng cá hỗn độn, đầu mối của các đường dây buôn ma túy và buôn người.

Một đêm cuối tháng 8 qua, Mollard được đưa lên một thuyền đánh cá, với hứa hẹn sẽ đến Canary sau 5 ngày. Mollard đã phải trả 850 euro (gần 1.200 USD) cho chuyến đi đó. Con thuyền chỉ dài 14m, không bếp, không toilet, không mái che... Ngoài Mollard, còn 38 thanh niên từ Mali, CHDC Congo, Gambia, Mauritania, Ghana, Guinea... Chuyến đi không phải dễ dàng, bởi suốt một năm trước đó, Mollard đã phải thỏa thuận với nhiều băng buôn người, đã trải qua hơn 20 lần khởi hành giả, 2 lần bị lừa sạch tiền, có lần phải quay trở lại vì những họng súng của cảnh sát Mauritania...

Chuyến đi hãi hùng

Mollard có trang bị pháo sáng, máy định vị toàn cầu (GPS), điện thoại vệ tinh... nhưng không sử dụng. Ngày đầu tiên, trên thuyền có tới 4 “thuyền trưởng” dữ dằn, có người còn rút dao dọa Mollard khi ông tranh cãi về hướng đi của thuyền. Khi ông đưa lương khô cho một phụ nữ Congo và đứa con suy dinh dưỡng của bà thì những người khác giật ăn hết. Thuyền quá xấu bị rò rỉ và máy liên tục bị ngắt. Họ phát hiện nhiên liệu đã bị pha thêm nước nên phải tìm cách hút ra. Đến xế chiều ngày thứ hai, biển động mạnh hơn và máy chết hẳn.

Các “thuyền trưởng” phải tháo bỏ rồi thay bằng một máy khác cũ hơn. Nó cũng không làm việc... Khi thấy ánh sáng từ một tàu hàng chỉ cách khoảng 500m, những di dân đốt lửa báo nguy nhưng tàu không chú ý. Đêm dần qua, họ trôi giạt trong biển động và mọi người bắt đầu kêu la, cầu nguyện...

Chỉ trong năm 2006, có hơn 30.000 người châu Phi liều mạng tìm đường đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha với giấc mơ thoát nghèo. Rất nhiều người chết trên biển hoặc trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Nếu may mắn đến nơi, họ lại bị trục xuất về nơi đã xuất phát bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện để xin tị nạn.

Sáng sớm ngày thứ ba, Mollard quyết định dùng điện thoại vệ tinh – vẫn giấu kín vì sợ mọi người nghi ngờ ông tố giác họ – gọi cho tuần duyên Tây Ban Nha và được thông báo rằng, một tàu dầu Nga sẽ chuyển hướng đến cứu họ và giao lại cho một tàu tuần tra Tây Ban Nha để chở đến Canary. Khi tàu dầu đến, mọi người tranh nhau chụp lấy thang dây leo lên, làm chiếc thuyền đánh cá nghiêng hẳn một bên, có nguy cơ bị lật trước những con sóng cao đến 3m.

Một “thuyền trưởng” phải cầm cây gỗ đe dọa, thậm chí Mollard phải hỗ trợ... đánh một số người để giữ trật tự. Một đứa bé được kéo lên tàu bằng thùng, còn bà mẹ sợ hãi khi leo thang dây đã rơi xuống biển nhưng may mắn được những người khác vớt lên... Mọi người an toàn lên tàu nhưng niềm vui chuyển thành thất vọng khi gặp tàu tuần tra của... Morocco. Mollard nhìn vào máy GPS và biết rằng họ chỉ ở cách Dakhla (Tây Sahara) có... 8km. Tất cả di dân đã trở lại điểm xuất phát và thực tế còn tệ hơn vì phải vào trại tạm giam... Mollard cho biết, chuyến đi bão táp này sẽ được ông làm thành một bộ phim tài liệu.

HỒNG CHUYÊN (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục