Có bảo vệ được động vật quý hiếm?

Có bảo vệ được động vật quý hiếm?

Hôm nay, 3-6, cuộc họp lần thứ 14 của 171 nước tham gia Công ước quốc tế về các loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng (Cites) khai mạc tại La Haye (Hà Lan). Từ nay đến ngày bế mạc 15-6, các nước sẽ đánh giá lại danh sách các loài động vật cần bảo vệ, có thể thêm vào các loài mới và phải quyết định cả các yêu cầu đầy mâu thuẫn của nhiều nước.

  • Chương trình nghị sự
Có bảo vệ được động vật quý hiếm? ảnh 1

Thu giữ ngà voi lậu ở công viên quốc gia Đông Tsavo, Kenya

Được tổ chức 3 năm/lần, đây là cơ hội để các nhà bảo vệ môi trường nhìn lại thực trạng, lên tiếng cảnh báo về số phận các loài cọp quý hiếm, các giống voi, tinh tinh… hay những khu rừng thực vật đang bị tàn phá với mức độ nghiêm trọng. Theo kế hoạch, sẽ có 36 đề xuất được đưa ra về việc bảo vệ, nghiêm cấm buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm và cả thực vật quý,  nhất là cây gỗ Pernambouc, thường được dùng làm đàn violon.

Cây Pernambouc có ở rừng nhiệt đới Brazil, được khai phá từ 500 năm nay và được các nhạc sĩ ưa thích từ thời Mozart ở thế kỷ XVII. Hoặc những loại cây hiếm ở khu vực rừng Mexico, Guatemala và Belize cũng được đặc biệt chú trọng.

Hội nghị cũng sẽ bàn đến các vấn đề như đề nghị được tăng cường buôn bán xương hổ làm cao hổ cốt phục vụ cho y học truyền thống của Trung Quốc hay yêu cầu của Đức cho phép bán cá hồi con, cá mập sữa lấy vây. Dự kiến sẽ có lệnh trừng phạt đối với Peru, vì đã không kiểm soát được việc khai thác gỗ gụ. Các chuyên gia cho biết khoảng 90% loại gỗ quý đến từ rừng Amazone thuộc Peru là gỗ khai thác trái phép.

Tuy không được quyền bỏ phiếu bầu nhưng tham dự hội nghị còn có khoảng 80 tổ chức phi chính phủ, các nhóm bảo vệ môi trường…Trước đó, ngày 2-6, 8 năm sau khi cấm buôn bán ngà voi, Cites đã cho phép Botswana, Namibia và Zimbabwe bán 50 tấn ngà cho Nhật Bản, đồng thời thừa nhận số lượng voi ở khu vực Nam châu Phi được quản lý tốt và an toàn.

  • Đâu là thực chất vấn đề?

Hiện có hơn 7.000 loài động vật và 32.000 họ cây được phép buôn bán. Có hơn 800 loài bị cấm. Stéphane Ringuet, phụ trách chương trình giao thương của Quỹ động vật hoang dã (WWF) ở Pháp khẳng định “cuộc chiến thực sự là cái nghèo. Làm sao có thể ngăn cản người dân không sử dụng thiên nhiên như nguồn dinh dưỡng nuôi sống họ? Làm sao bắt họ nhịn ăn khi thịt thú rừng mang lại cho họ protein?”. Thậm chí, các chuyên gia của Anh và Pháp trong tuần này đã đặt câu hỏi trên tạp chí Nature rằng phải chăng lệnh cấm càng thúc đẩy việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã? Lần đầu tiên, họ cân đong đo đếm hiệu quả từ lệnh cấm tác động lên một số loài động vật quý.

Thực tế, từ khi Cites ban hành lệnh cấm đến khi nó chính thức có hiệu lực là khoảng cách khá xa, cách nhau từ 240 ngày đến 480 ngày. Và các chuyên gia nhận thấy trong khoảng thời gian chờ đợi cho lệnh  được thực thi, nạn buôn bán bất hợp pháp các loài tăng chóng mặt. Ví dụ, giá sừng tê giác tăng 400% trên thị trường Hàn Quốc trong suốt 2 năm trước khi có lệnh cấm. Tương tự, nạn bán rùa Ai Cập và giống mèo hoang Nam Mỹ (thường bị lấy lông) khiến cho hai loài này giảm đáng kể số lượng trong thời gian chờ đợi kể trên.

Philippe Rivalan, một chuyên gia khác của WWF, cho rằng thay vì cấm hoàn toàn buôn bán một số loài, Cites nên cho phép buôn bán hạn chế và có kiểm soát trong thời gian đầu. Hay như nhận xét của Stéphane Ringuet, khi cấm bán hay giết loài nào, lại bị tác dụng ngược là khuyến khích thị trường tiêu thụ về loài đó càng phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận trong những năm 70, khi Cites ra đời, trên thế giới đang có hiện tượng “chảy máu” các loài voi, cá voi, tê giác…Ngày nay, nạn “chảy máu” đó không còn nữa.

Việt Khuê (theo AP, Libération)

Tin cùng chuyên mục