
Đã có nhiều bài báo viết về cô bé học giỏi, mồ côi cả cha lẫn mẹ Vũ Thị Dáng Hương ở Hà Trung, Thanh Hóa. Mới đây, tôi có dịp gặp lại Hương ở Trường Đại học Hồng Đức, nhìn gương mặt em xanh xao vì lo toan với giấc mơ đại học mà không khỏi nao lòng.
Tuổi thơ bất hạnh

Dáng Hương bên góc học tập của mình ở KTX.
Sinh ra ở miền quê nghèo xã Hà Bình, Dáng Hương sớm phải gánh chịu những nỗi đau mất mát to lớn. Năm 2000, bố của Hương, anh Vũ Công Đạt đột ngột mất do tai nạn giao thông.
}Niềm đau chưa nguôi, năm 2002 người mẹ thương yêu của Hương cũng ra đi sau 2 năm điều trị bệnh phổi. Bố mẹ mất lúc Hương chưa tròn 14 tuổi. Tài sản quý nhất còn lại là 3 đứa em nhỏ dại, để Hương không cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời.
Đứa em trai tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam cũng không chống chọi được với cuộc sống. Đưa em đi, Hương như người chết đi sống lại. Lúc đó, trong tâm hồn non nớt của em những vết thương lòng đau đớn cứ day dứt mãi, không có gì xoa dịu nổi.
Có lúc em nghĩ quẫn, không còn thiết sống. Nhưng rồi em tĩnh tâm lại ”mình đi rồi ai sẽ là người chăm sóc, nuôi nấng cho 2 đứa em gái, đứa lớn nhất Vũ Thị Hồng Huệ chưa đầy 8 tuổi, các em sẽ làm thế nào để tồn tại đây?”.
Vì các em, nghị lực sống của Hương trỗi dậy. Hàng ngày, em “vật lộn” với 4 sào ruộng, mò cua bắt ốc, hái trái cây mang ra chợ bán lấy tiền lo cho mình và các em. Khi màn đêm buông xuống, sau khi đã ru cho bé út Vũ Thị Ngọc (2 tuổi) ngủ xong, Hương lại chong đèn để hai chị em cùng học.
Bằng nghị lực phi thường, với sự giúp đỡ của cô bác, thầy cô, Hương không những nuôi em ăn học đàng hoàng mà bản thân em năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, luôn có tên trong đội học sinh giỏi của Trường THPT Hà Trung. Kỳ thi đại học vừa rồi, cả xã ai cũng trầm trồ thán phục cô học trò bất hạnh khi nghe em đậu Trường Đại học Hồng Đức.
Vào đại học vẫn đau đáu nỗi lo
Hương đậu vào ngành Việt Nam học, khoa Khoa học xã hội nhưng chưa kịp vui, lòng đã bộn bề nỗi lo. Nghĩ đến các em, tới hoàn cảnh khốn khó của gia đình, Hương chỉ muốn bỏ học. Thấy chị không chịu nhập học, em Huệ khóc nấc và khuyên chị: “Chị cứ lo học tốt, ở nhà còn có các cô bác, hồi bằng tuổi em chị còn làm được, tại sao bây giờ chị không để em lo phụ?”.
Trong căn phòng ở khu KTX của trường, Hương như già hơn so với các bạn. Ngồi học đấy nhưng nỗi lo thì vẫn đè nặng trên đôi vai mỏng manh của em từ nhiều năm nay. Khổ sở nhiều, Hương đã chịu đựng thành quen. Thầy cô, bạn bè chia sẻ rất nhiều nhưng lúc nào Hương cũng hướng về ngôi nhà dột nát có hai đứa em tội nghiệp mà lo ngay ngáy: “Không biết bữa nay các em mình đã ăn gì chưa?”.
Nghe tin có chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn, Hương mừng ra mặt. Mừng vậy nhưng, suy đi tính lại em lại không dám làm hồ sơ vay. Khi hỏi nguyên do, em trả lời: “Em còn hai em nhỏ, mà đứa nào cũng học giỏi. Cái Huệ học lớp 7 ở trường chuyên của huyện, cái Ngọc đang học lớp 3, năm nào cũng nhất lớp. Em định bụng, phải cố gắng để nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Em chỉ sợ bây giờ vay nợ ngân hàng, mai mốt còn phải lo cho các em nữa thì lấy tiền đâu để trả nợ?”.
Xong giờ học, cuối mỗi tuần là Hương lại vội vàng đạp xe gần 40 cây số về nhà thăm em. Chỉ 1 ngày 1 đêm ngắn ngủi, Hương chu tất việc đồng áng, dọn dẹp nhà cửa, dạy các em học bài... sắp xếp mọi chuyện chu tất rồi lại tất tả đạp xe trở lại trường. Cô bạn cùng phòng tên Mai nói với tôi: “Nhiều đêm nhớ mấy đứa em, học bài xong, Hương không ngủ mà cứ khóc hoài. Bọn em khuyên một lúc rồi cả phòng ôm nhau khóc theo”.
Khi hỏi về ước mơ của mình, Hương chỉ mong “có đủ điều kiện để theo hết 4 năm đại học, dạy dỗ các em thật tốt và khi ra trường có việc làm để còn lo cho các em”.
Đình Hợp