Những ngày này, cả nước có một “cuộc di dân” lớn với hơn 600.000 thí sinh từ các tỉnh đổ về các thành phố lớn để tham dự đợt 1 kỳ thi ĐH-CĐ, chưa kể còn có thêm hàng trăm ngàn phụ huynh đưa con đi thi. Không chỉ ngành GD-ĐT, mà toàn xã hội cũng bị cuốn vào việc lo cho kỳ thi này. Những nẻo đường thành phố bỗng bộn bề, chộn rộn và chật chội hơn. Tại TPHCM, nhiều giao lộ nội thành gần như tắc nghẽn vào giờ cao điểm. CSGT, công an, dân phòng, TNXP… đều phải tất bật. Cả ngàn tình nguyện viên áo xanh chương trình Tiếp sức mùa thi lo chuyển cơm, nước… về các điểm tập kết cho các bạn đang trực chiến tại các điểm thi để giúp cho các sĩ tử từ các tỉnh chân ướt chân ráo lên thành phố có nơi ăn chốn ở trước ngày ứng thí. Tại các điểm thi, lực lượng áo xanh này gần như trực 100% quân số trước cổng trường để đón sĩ tử. Trời trưa nắng chang chang, ngồi trực chiến, nhiều bạn nữ ngủ gà ngủ gật. Không đủ chỗ nghỉ trưa, nhiều bạn nam phải kéo ra ngồi trên vỉa hè, tán gẫu. Cực mà vui. Tại ga Sài Gòn, lực lượng áo xanh tình nguyện còn vất vả hơn, vì số lượng tàu về ban đêm nhiều nên các bạn phải trực suốt đêm để đón sĩ tử, có ca lên đến 50 bạn trực. Ở bến xe miền Đông, các bạn chia nhau trực 2 ca (ngày và đêm) mới đủ sức khỏe bám trụ suốt cả mùa thi.
Năm nào cũng vậy, không chỉ lực lượng áo xanh vào cuộc Tiếp sức mùa thi với khí thế của tuổi trẻ, mà cả xã hội cùng vào cuộc, chung tay. Trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Bình Thạnh) các phật tử chùa Pháp Linh mấy hôm nay cũng ngược xuôi, vất vả để đón và tiếp sức cho các sĩ tử. Giáo xứ Tân Định (quận 3) cũng chộn rộn đón thí sinh từ các tỉnh, lo cho các bạn nơi ăn chốn ở. Cạnh đó, còn có tấm lòng rộng mở của người dân thành phố. Một bếp ăn từ thiện ở rạch Bùng Binh (quận 3) tập trung hơn 20 cựu TNXP và cựu chiến binh suốt mấy ngày nay tất bật để chuẩn bị 2.000 suất cơm và nước uống miễn phí cung cấp cho các thí sinh. Đó còn là tấm lòng hiếu khách của hàng ngàn người dân thành phố sẵn lòng ở chật một chút để dành 4.213 chỗ trọ miễn phí, 20.000 chỗ trọ giá rẻ cho thí sinh các tỉnh về thành phố…
Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành khác cũng phải vào cuộc. Ngành điện lực phải xây dựng phương án giữ điện cho các điểm thi, huy động công nhân lắp đặt thêm nhiều máy biến thế dự phòng cho những địa điểm quan trọng; ngành CSGT chuẩn bị kế hoạch chống ùn tắc tại các giao lộ, điểm thi; các phường tăng cường thêm lực lượng dân quân ứng trực, hỗ trợ giữ gìn trật tự trước và sau giờ thi…
Qua 2 đợt của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, không chỉ thí sinh phập phồng trước giờ “vượt vũ môn”, hàng triệu phụ huynh cũng đứng ngồi không yên, lo lắng chuẩn bị tiền bạc, mọi thứ để con em mình “lai kinh ứng thí” và đủ sức khỏe, tỉnh táo làm bài thi. Các phụ huynh ở TPHCM cũng phải “ăn gian” giờ làm việc để đưa đón con đến trường thi và chờ chực trước cổng đón về. Không quá đáng khi gọi mỗi kỳ thi là một dịp toàn xã hội “động binh”. Các sĩ tử không đơn độc trước tấm lòng hào hiệp, hiếu khách của người dân thành phố, của lực lượng áo xanh tình nguyện sẵn sàng sẻ chia khi các bạn lần đầu lên thành phố ứng thí, lạ cái lạ nước. Nét đẹp là vậy!
Nhưng nhìn ở góc độ khác, không ít người buột miệng than: “Mỗi lần thi sao cực quá! Giá như…”. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, dư luận cũng lo lắng, báo chí tốn nhiều giấy mực nhưng kết quả thì… huề cả làng, hơn 99% thí sinh tốt nghiệp, số không tốt nghiệp chỉ là con số rất hiếm hoi, không cần thiết phải tốn kém quá nhiều kinh phí, công sức của cả xã hội đổ ra cho một kỳ thi. Có cần cả xã hội phải mất sức cho các kỳ thi như vậy? Cảnh các bạn áo xanh tình nguyện vất vả nắng mưa ở nước ta trước và trong mỗi kỳ thi đại học, có lẽ là hình ảnh hiếm thấy ở các nước. Bởi lẽ, việc đặt chân vào đại học tại nhiều nước hiện nay chỉ thông qua hình thức xét tuyển chớ không thi tuyển. Vừa gọn gàng, vừa đỡ tốn kém công sức của xã hội và gia đình, các cơ quan chức năng không phải loay hoay tìm biện pháp chống đỡ với các hình thức gian lận công nghệ. Bản thân các thí sinh không vất vả “vác lều chõng” lên thành phố, không hồi hộp với tâm lý “học tài thi phận”…
Năm nay, ngành giáo dục chủ trương cho một vài trường tự tuyển sinh, vài trường khác được quyền xét tuyển. Đó là một chủ trương tốt, hướng theo cách làm của các nước tiên tiến. Tất nhiên, chủ trương này cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng nhìn về toàn cục, xóa dần tuyển sinh, chuyển sang xét tuyển nhằm tránh lãng phí công sức của xã hội là điều cần hướng tới. Cần nhớ rằng xét tuyển cũng có những tiêu chí của nó, nếu làm minh bạch, công khai thì sự gian lận cũng không có chỗ đứng, như ai đó vẫn lo lắng. “Học thì phải thi”, phải “vác lều chõng” đến trường - tư duy ấy có lẽ dường như không còn là tư duy thống trị trong thời buổi hiện đại…
THƯ LÊ