Cơ chế nào cho tài năng thể thao?

Cách đây hơn 3 năm, một lãnh đạo ngành thể thao còn hào hứng nói về đề án xây dựng trung tâm huấn luyện VĐV đỉnh cao của TPHCM tại khu vực Trường đua Phú Thọ. Theo ông, một thành phố lớn nhất nước mà không thể có một nơi “ra, vào” đàng hoàng cho VĐV thì thật khó coi. Với việc chấm dứt hoạt động của Trường đua Phú Thọ, ngành thể thao dự kiến sẽ xây dựng tại đây khu vực sinh hoạt tập trung tiêu chuẩn cao cho VĐV, cũng như sẽ đầu tư một trung tâm huấn luyện mang tầm quốc gia dành cho những môn mũi nhọn trước tình hình Khu liên hợp Rạch Chiếc chẳng biết bao giờ mới thành hình.

Thế nhưng từ đó đến nay, đề án này vẫn giậm chân tại chỗ ngoài một dãy phòng nhỏ được xây dựng nhằm chuyển một phần VĐV đang sinh hoạt tại Trường Nghiệp vụ TDTT sang. Vẫn chưa thể có một khu vực dành riêng cho VĐV đỉnh cao tập trung thường xuyên và thể thao thành phố vẫn tiếp tục điệp khúc: cái gì cũng thiếu dù đất đai dành cho thể thao vẫn còn đấy nhưng không sử dụng được.

Chỉ riêng việc lo chỗ ăn ngủ, chỗ học văn hóa tiêu chuẩn cao mà thể thao TPHCM vẫn chưa thể thúc đẩy nhanh hơn thì vấn đề bồi dưỡng, đào tạo VĐV ở quy mô lớn hơn thật sự là nan giải. Trước đây, VĐV khi đạt đến một trình độ nào đó luôn được hưởng các ưu đãi đặc biệt như cấp nhà, cấp đất hay tệ nhất cũng được hưởng chính sách dành cho chuyên gia, làm việc như công chức. Hiện nay, tiêu biểu như VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh, dù khoác áo TPHCM thi đấu quốc gia, quốc tế nhưng mỗi tháng lại nhận tiền tài trợ từ Becamex Bình Dương. Hoặc như VĐV Trương Thanh Hằng cũng nhận lương tháng từ nơi khác dù do chính TPHCM đào tạo. Rồi như VĐV chạy tốc độ Vũ Thị Hương, sống và tập luyện ở TPHCM nhưng lại là VĐV của địa phương khác.

Sự sa sút của những môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh… đều xuất phát từ nguyên nhân rất cơ bản: không có VĐV, hay sâu xa hơn đó là thiếu điều kiện để thu hút nhân tài và bồi dưỡng chăm lo cho tương lai của họ. Như vậy, điều mà thể thao TPHCM cần đó là cơ chế, kế đến là sự năng động của người làm thể thao. VĐV thi đấu đỉnh cao vốn là những người chuyên nghiệp, họ có thể chọn nơi mình thi đấu, chủ yếu dựa trên sự đãi ngộ tốt. Trong khi đó, hiện TPHCM chỉ còn duy trì được những môn chơi cá nhân, vốn chủ yếu do chính các VĐV tự thân vận động hoặc gia đình bỏ tiền ra. Vậy thì trách nhiệm của các nhà quản lý ở đâu?

Cơ sở vật chất thể thao thì đang lãng phí, nơi thường tập trung dành cho VĐV sinh hoạt sau thời gian tập luyện là Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao tại 43 Điện Biên Phủ thì xuống cấp, nhưng khi CLB futsal Thái Sơn Nam đầu tư xây dựng một vài hạng mục mới để chăm sóc sức khỏe VĐV tại Nhà thi đấu quận 8 thì lại mất nhiều thời gian do vướng thủ tục. Ngành thể thao đề xuất bán một số cơ sở trong nội thành để lấy tiền xây mới các trung tâm lớn hơn nhưng như vậy thì lại “mất đất” dành cho thể thao, trong khi khu vực Trường đua Phú Thọ hiện đang vướng đền bù, giải tỏa cũng như ngân sách xây dựng. Loay hoay suốt nhiều năm, liệu có thể tin rằng thể thao TPHCM có khả năng lo cho tương lai của VĐV sau khi họ giải nghệ? Một điểm đáng lưu ý là 70% - 80% các môn thể thao của thành phố hiện nay đang thuộc dạng bao cấp, ngân sách nhà nước chỉ mới lo được cho hoạt động tập luyện mà thôi.

Rõ ràng, TPHCM đang rất cần một chiến lược xã hội hóa thể thao mạnh mẽ hơn nữa.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục