Giảm giá thuốc điều trị AIDS

Có chống được nạn sao chép?

Có chống được nạn sao chép?

Sáng nay, sau hàng loạt tranh cãi trong cuộc chiến về bản quyền sáng chế dược phẩm tại các nước đang phát triển, tập đoàn dược phẩm và thực phẩm Abbott của Mỹ quyết định giảm ít nhất 55% giá thuốc điều trị AIDS Kaletra.

  • Niềm hy vọng mới?
Có chống được nạn sao chép? ảnh 1

Biểu tình đòi quyền lợi cho người nhiễm HIV/AIDS tại Nam Phi

Thông báo mới từ Abbott đã nhen nhóm niềm hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân đang mắc căn bệnh thế kỷ tại hơn 40 quốc gia nghèo. Abbott đã hướng tới giới có thu nhập thấp.

Hơn nữa, công ty đang muốn chống lại nạn sao chép công thức bào chế thuốc tại các quốc gia đang phát triển với lý do giá thuốc quá cao. Abbott đã đồng ý cắt giảm chi phí điều trị từ 2.200 USD/năm còn khoảng 1.000 USD/năm.

Abbott dự kiến sẽ bàn thảo các phương án cung cấp thuốc Kaletra có mức giá thấp nhưng chất lượng tốt đến các quốc gia đang phát triển để thuốc có thể đến tay bệnh nhân.

Tuy nhiên, lãnh đạo Abbott từ chối cho biết việc liệu công ty sẽ ngưng hay tiếp tục cung cấp thuốc cho Thái Lan. Đây là quốc gia đang nằm trong danh sách báo động đỏ về số lượng bệnh nhân AIDS nhưng lại kiên quyết bảo vệ kế hoạch sao chép công thức thuốc Kaletra. Những cuộc đối đầu giữa Abbott và Thái Lan vẫn đang tiếp diễn.

Phía Abbott cho rằng, Thái Lan đã vi phạm bản quyền và làm công ty thiệt hại hàng trăm triệu UDS. Trước đó, Abbott tuyên bố sẽ không cho phổ biến các loại thuốc chữa bệnh AIDS mới nhất tại Thái Lan, để phản đối việc chính quyền Thái đã không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Từ đầu năm 2007, các công ty dược phẩm Thái Lan được chính phủ cho phép nhập khẩu thuốc sao chép công thức Kaletra, do Abbott giữ bản quyền.

Bộ Y Tế Thái Lan đã không lên tiếng gì về vấn đề này, cho dù trước đó bộ này cho rằng người dân Thái Lan cần đến những loại thuốc rẻ tiền hơn để phân phối cho hàng triệu người dân Thái, trong đó có hơn 600.000 người hiện đang phải chống đối với bệnh AIDS.

  • Các tập đoàn dược phẩm nên bỏ độc quyền

Không những Thái Lan mà Ấn Độ cũng đang nằm trong danh sách báo động về số lượng bệnh nhân AIDS. Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ đã nộp đơn lên tòa phúc thẩm ở Madras để phản đối quyết định của Ấn Độ không cấp lại bản quyền cho Gleevac, thuốc chống ung thư máu mới của họ, và kiện Ấn Độ đã vi phạm trong việc sao chép công thức bào chế như Thái Lan.

Nguyên nhân, khoảng 80% thuốc trị AIDS dùng trong chương trình của Tổ chức Y tế không biên giới đều do Ấn Độ sản xuất. Nếu Norvatis thắng kiện, các quốc gia nghèo sẽ mất đi nguồn cung cấp thuốc chữa ung thư và AIDS giá rẻ, chỉ bằng 1/10 giá của Norvatis cung cấp. Các tổ chức vận động vì bệnh nhân trên khắp thế giới đang kêu gọi Norvatis từ bỏ vụ kiện này vì sự sống của hàng triệu bệnh nhân ung thư và AIDS.

Cuộc đấu tranh của các nước nghèo về quyền được có thuốc giá rẻ để chữa trị, phòng chống dịch bệnh đã diễn ra từ nhiều năm qua. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Á đã buộc phải “giành quyền” tự bào chế thuốc, sao chép công thức... để phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn dược phẩm quốc tế .

PHƯƠNG NAM (theo AFP, Today Online)

Tin cùng chuyên mục