Có “cơ chế liên hoàn” mới thu hồi được tài sản tham nhũng

Ngày 4-3, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến nhận định, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, việc thu hồi tài sản do tham nhũng chưa làm tốt; quy định kê khai tài sản hiện nay nặng về hình thức, thiếu kiểm tra, giám sát...

Đáng lưu ý, theo ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), việc thi hành án dân sự đối với các vụ án tham nhũng chỉ dựa trên bản án đã tuyên, trong khi quá trình tố tụng phải trải qua nhiều giai đoạn nên tài sản dễ bị tẩu tán. Vì vậy, cần phải xây dựng “cơ chế liên hoàn” mới thu hồi được tài sản tham nhũng.

Cụ thể, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bao gồm cả các chủ thể ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợi ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà; việc tiếp nhận, xử lý thông tin về việc tặng quà và nhận quà... Đồng thời, cần quy định rõ hơn về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan, nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như việc không thực hiện việc công khai, minh bạch, không trả lại quà tặng.

Cũng về sửa đổi khung pháp lý, ông Nguyễn Hồng Diện, quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp một phần do tình trạng án tuyên không rõ ràng, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan tòa án không chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan tới tang vật của vụ việc... Qua công tác tự kiểm tra nội bộ tại các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, đã phát hiện và xử lý 22 trường hợp. Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 quyết định thu hồi với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục