Có cơ chế tiếp thu ý kiến người dân

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua 3 nguồn trên cũng không phải dễ. Có nhiều lý do, trong đó có sự nể nang, bao che lẫn nhau, sợ mất thành tích của tập thể…
Trong một hội nghị của Thành ủy TPHCM về công tác đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã phát biểu: Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy, có nhiều yếu kém, sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên đã được phát hiện, xử lý. Có 3 nguồn phát hiện, ngay trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; qua báo chí; qua giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua 3 nguồn trên cũng không phải dễ. Có nhiều lý do, trong đó có sự nể nang, bao che lẫn nhau, sợ mất thành tích của tập thể…
Với thông tin từ nguồn báo chí, hiện không có quy định về việc khi báo chí nêu sai phạm, yếu kém của cá nhân, đơn vị, tổ chức thì cơ quan nào có trách nhiệm xử lý và xử lý đến đâu. Điều này dẫn đến tình trạng số vụ việc báo chí phát hiện nhiều nhưng xử lý không được bao nhiêu.
Từ trước đến nay, chúng ta chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng phải nghiên cứu, kiểm tra, xử lý những sai phạm do báo chí và người dân phát hiện. Có nơi xử lý ngay khi báo chí phát hiện, nhưng nhiều nơi thì bỏ qua, tìm cách né tránh, thậm chí còn xử lý lại những người dám đấu tranh, hoặc cung cấp thông tin cho báo chí.
Ở nguồn MTTQ cũng vậy, dù có quy định khi MTTQ đã có ý kiến và đưa ra được những sai phạm, khuyết điểm, thì cơ quan, tổ chức đó phải xem xét, xử lý. Thế nhưng, việc xử lý đến đâu và trả lời cho MTTQ như thế nào thì chúng ta chưa có quy định pháp luật rõ ràng. Đây là vấn đề nan giải, làm giảm uy tín, vai trò của hệ thống MTTQ trong công tác giám sát, phản biện và đấu tranh phát hiện sai phạm, yếu kém trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của bộ máy chính quyền các cấp.
Từ thực tế trên, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cần có cơ chế tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân thông qua báo chí và MTTQ các cấp. Phải luật hóa việc tổ chức các hình thức giám sát và tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên các lĩnh vực, trong đó có nội dung xây dựng chính quyền các cấp. Sau khi có phản ánh của người dân thông qua MTTQ và báo chí, ý kiến đó phải được chuyển cho ai, tổ chức nào đứng ra tiếp nhận và giải quyết trong thời gian bao lâu, đều phải được quy định cụ thể.

Tin cùng chuyên mục