Đây là một câu hỏi rất nghiêm túc được lập thành chủ đề hàng đầu trên một số trang diễn đàn cổ động viên bóng đá. Còn theo thống kê của chúng tôi, những lời bình luận của độc giả trên nhiều trang tin tức điện tử hàng đầu đã thẳng thắn đề xuất cần nghiêm túc nghiên cứu việc tạm ngưng các giải đấu đỉnh cao tại Việt Nam trước khi tìm ra hướng phát triển mới.
Vấn đề trên đặt ra không mới và cũng không thể không cân nhắc. Bởi trên thực tế, khi mà tình trạng bạo lực, tiêu cực trong bóng đá Việt Nam chưa có chiều hướng giảm bớt thì ngay chính nội bộ hệ thống điều hành, quản lý đỉnh cao cũng đang rối như tơ vò, có dấu hiệu mất đoàn kết, thậm chí còn có những nhóm lợi ích thao túng cuộc chơi bóng đá.
Sáng 16-8, Ban tư vấn đạo đức đã tự tổ chức buổi họp báo dù không hề có sự tham gia của đơn vị đang quản lý họ là Công ty VPF và cũng không biết đã được phép họp báo hay không. Trong buổi họp báo, các thành viên chủ chốt của ban này đã công kích năng lực của Ban tổ chức (BTC) V-League, thậm chí còn đề nghị thay Trưởng BTC.
Điều đáng nói là BTC V-League cũng là thành phần do Công ty VPF lập ra, như vậy, 2 bộ phận tưởng chừng là “người trong nhà”, cùng chiến tuyến với nhau lại mâu thuẫn đến mức gần như đối nghịch nhau. Phải chăng, chính vì lý do này mà suốt mùa giải V-League 2013 đã không có vụ việc tiêu cực nào được làm rõ, dù theo thông tin từ Ban tư vấn đạo đức, họ đã gửi đến BTC ít nhất 10 kiến nghị. Trước đó, người ta đã thấy sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa cơ quan quản lý bóng đá VFF và Công ty VPF.
Không thể không thấy rằng, chính nội bộ bất đồng, sự phối hợp không tốt giữa các bộ phận với nhau là điều kiện để dung dưỡng cho tiêu cực. Bởi thay vì hợp tác để tìm ra “thuốc” đặc trị tiêu cực thì sự bất hòa giữa các cơ quan chống tiêu cực trong bóng đá nói trên càng làm cho tiêu cực “lờn thuốc”. Nói đâu xa, vụ việc nổi cộm liên quan đến đội XMXT Sài Gòn được cho là “bán độ” trong trận thua Kiên Giang tuần rồi, đã không được xử ngay mà phải đến tuần sau mới có kết luận. Cái cần xử lý gấp để trả lời cho dư luận thì lại kéo dài một cách không cần thiết, tạo nên tâm lý hoang mang trong bối cảnh niềm tin đối với bóng đá nội địa đã xuống thấp.
Không ai muốn đời sống bóng đá bị gián đoạn, nhưng cũng cần phải thấy rằng không thể có một nền bóng đá phát triển mà tồn tại cách quản lý “trên bảo, dưới không nghe”, hay sự coi thường, thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa những người đang ngồi chung trên một con thuyền. Đã đến lúc không thể cứ hô hào tái thiết bóng đá nước nhà theo kiểu lý thuyết mà phải có biện pháp cụ thể, thậm chí phải tạm ngưng thi đấu để tìm hướng ra.
VIỆT QUANG