Nhiều vấn đề vướng mắc về hóa đơn giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, loại hình hợp tác xã có hoạt động kinh doanh… do bạn đọc gửi tới đã được bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời cụ thể trong tuần này.
° Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng đặt in, tự in hóa đơn hay được mua hóa đơn của cơ quan thuế?
° Điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 153 hướng dẫn về đối tượng được tạo hóa đơn đặt in gồm: Tổ chức kinh doanh; hộ và cá nhân kinh doanh có mã số thuế (không bao gồm hộ, cá nhân nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp) được tạo hóa đơn đặt in để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Tại điểm 3 công văn số 15364/BTC-TCT ngày 12-11-2010 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn: Hợp tác xã là tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mà được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Tương tự, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức không phải doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh thì đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Trường hợp các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp thực hiện tự in (nếu đủ điều kiện) hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng thì cần khuyến khích. Việc đặt in, tự in phải phù hợp với quy định của pháp luật.
° Tổ chức, cá nhân trong nội địa khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan sử dụng hóa đơn xuất khẩu hay hóa đơn GTGT?
° Điểm k khoản 1 Điều 4 Thông tư 153 hướng dẫn: “Tổ chức, cá nhân được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại. Ví dụ: Doanh nghiệp A là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước. Đối với hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn xuất khẩu với các tiêu thức theo hướng dẫn trên. Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho cả hai hoạt động trên”.
Do vậy, tổ chức, cá nhân trong nội địa khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.
° Trong năm 2010, một số doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hóa đơn vừa dùng để bán hàng trong nước và dùng để xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Theo quy định kể từ ngày 1-1-2011 xuất khẩu phải dùng hóa đơn xuất khẩu nhưng do lượng hóa đơn tự in (đặt in) của một số DN còn tồn với số lượng lớn, vậy doanh nghiệp có thể dùng chung một loại hóa đơn (còn tồn nói trên) cho cả hai hình thức bán hàng (trong nước và xuất khẩu) được không?
° Tại điểm 2 Điều 33 Thông tư 153 hướng dẫn về hóa đơn doanh nghiệp tự in chưa sử dụng hết được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-3-2011. Nên trường hợp trong năm 2010 doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hóa đơn GTGT để sử dụng cho bán hàng trong nước và xuất khẩu còn tồn chưa sử dụng hết được tiếp tục sử dụng để bán hàng trong nước và xuất khẩu đến hết ngày 31-3-2011. Doanh nghiệp phải gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20-1-2011.
° Hóa đơn mẫu gửi kèm thông báo phát hành gửi cơ quan Thuế là đầy đủ các liên hay chỉ gồm liên giao cho người mua hàng?
° Căn cứ điểm 3, điểm 4 Điều 9 Thông tư 153, hóa đơn mẫu gửi kèm thông báo phát hành gửi cơ quan Thuế và việc niêm yết thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu tại đơn vị sử dụng để bán hàng hóa, dịch vụ là liên giao cho người mua hàng
CHẾ HÂN