Cơ hội hồi sinh của ngành nông nghiệp Nga

Cơ hội hồi sinh của ngành nông nghiệp Nga

Khi lệnh trừng phạt của phương Tây được ban hành, nhiều người Nga đã lo ngại về tình trạng khan hiếm thực phẩm nhưng cũng có không ít người cho rằng, lệnh cấm là một đòn bẩy đưa ngành nông nghiệp Nga trở lại thời kỳ thịnh vượng.

Nông dân “được mùa”

Lệnh cấm vận của phương Tây khiến Tổng thống Putin và nhiều lãnh đạo cấp cao suy nghĩ về hướng phát triển kinh tế mới tập trung vào nông nghiệp thay vì quá tập trung ngành sản xuất dầu mỏ. Nga nghĩ rằng điều này có lợi cho nền kinh tế vì việc chuyển đổi, tái cơ cấu nông, ngư nghiệp sẽ giảm sự phụ thuộc vào châu Âu, tránh những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ chính trị. Hơn nữa, việc giá dầu trồi sụt như hiện nay đang mang lại nhiều bất lợi cho nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, lệnh cấm có thể gây ra những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, chắc chắn sẽ có lợi cho nông dân Nga. Cơ quan Thủy sản Nga cho biết, lâu nay Nga phải nhập thủy sản với giá cao, như giá cá hồi Na Uy bán ở Nga cao hơn từ 8 - 10 lần so với giá thành thực tế. Các mặt hàng thịt bò, hải sản, phô mai, sữa cũng có mức giá cao tương tự. Rất nhiều nhà sản xuất nông sản trước đây không tìm được đường vào siêu thị hay các nhà hàng giờ có thể bán được sản phẩm, đồng thời phát triển kinh doanh. Vốn đã mệt mỏi vì sự cạnh tranh của thực phẩm nhập khẩu nhiều năm qua, giới sản xuất thực phẩm của Nga là những người phấn khởi nhất với lệnh cấm.

Người dân Nga chọn lựa các thực phẩm sản xuất trong nước.

Trong bài viết đăng trên tờ New York Times, nhà báo Neil Mac Farquhar nhận định, những trang trại sản xuất thực phẩm sạch đang trở thành đòn trả đũa của Tổng thống Putin với lệnh cấm của phương Tây. Trong khi nông dân châu Âu phải chịu nhiều thiệt hại vì nông sản, thực phẩm không thể tiêu thụ tại thị trường Nga thì nay, các trang trại trong nước đang bị “cháy” hàng vì số lượng đặt hàng vượt quá mức sản xuất. Bài báo kể về Lavka Lavka, một trang trại có cơ sở sản xuất phô mai, sữa của ông Akimov, bỗng trở nên nổi tiếng vì loại phô mai và sữa không thua kém nhiều so với các mặt hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu. Hiện những loại gia cầm và trứng gà được nuôi tại trang trại theo tiêu chuẩn sạch đang được bán đắt như tôm tươi. Mỗi ngày, ông Akimov nhận đến hàng chục cuộc điện thoại từ các siêu thị yêu cầu cung cấp các mặt hàng này vì họ đang trong tình trạng bị thiếu hụt. Đây là điều trước đây ông chưa từng nghĩ tới.

Lập ra trang trại Lavka Lavka từ 5 năm trước nhưng những mặt hàng ông Akimov cung cấp cho thị trường chỉ ở mức ổn định, chưa bao giờ cả trang trại gồm 100 nông dân phải hoạt động tối đa công suất như hiện nay. Theo ông Akimov, lệnh cấm đã thay đổi rõ rệt quan niệm của người Nga, nhất là tại các nhà hàng lớn ở Mátxcơva. Khi thực phẩm nhập khẩu không còn là một chọn lựa tối ưu, các nhà hàng đã chịu nhìn ngó đến thị trường trong nước.

Người Nga dùng hàng Nga

Cơ hội vàng đã đến nhưng ngành nông nghiệp Nga vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, số diện tích được gieo trồng đã giảm từ hơn 90 triệu ha còn 73 triệu ha. Khi Nga bắt đầu thực thi nền kinh tế thị trường từ đầu những năm 1990, các cơ sở kinh doanh đa số tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhanh chóng như thương mại, khai thác mỏ và dịch vụ tài chính. Các nông trang giải thể và chỉ một số ít trụ lại, hiện đại hóa sản xuất. Cũng vì thế mà năng suất ở Nga cũng còn rất thấp. Bình quân canh tác ngũ cốc cho 1,85 tấn/ha, trong khi con số đó ở Mỹ là 6,35 tấn/ha và ở Canada là 3 tấn/ha. Nga vẫn còn hàng triệu héc ta đất màu mỡ cho nông nghiệp nhưng chưa được khai thác. Đa số những trang trại ở Nga hiện đang hoạt động dưới hình thức góp vốn tư nhân và không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các cơ quan nông nghiệp. Họ phải lo từ khâu trồng trọt, thu mua và cả tìm đầu ra cho các sản phẩm.

Mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã công bố lộ trình đưa nền nông nghiệp Nga trở lại thời kỳ thịnh vượng. Trong đó, có kế hoạch xây dựng một hệ thống kho vận bán sỉ quy mô toàn quốc, có thể bao gồm các trung tâm, hoạt động với sự tham dự của nhà nước. Một chương trình mới khác tập trung vào việc kết nối các trang trại sản xuất sữa thành những hợp tác xã, giúp kiểm soát chất lượng, kho vận và tiếp thị. Các chính sách nông nghiệp mới sẽ được khởi động trong năm 2015. Tổng số tiền hỗ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng phát triển mới lên đến trên 1,5 ngàn tỷ rúp (42 tỷ USD) từ ngân sách nhà nước. Chính phủ Nga đã quyết định ngừng chi 9 tỷ USD cho nhập khẩu thực phẩm. Động thái này được xem như là vận may cho ngành nông nghiệp Nga bởi tiền này sẽ dùng để bổ sung vào quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Theo Mosccow Times, hiện nông dân Nga vẫn e ngại lệnh cấm của phương Tây được dỡ bỏ sớm, nguồn thực phẩm nhập ngoại tiếp tục quay trở lại nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã trấn an bằng những thông tin được phát trên các phương tiện truyền thông kêu gọi người Nga hãy ủng hộ hàng trong nước sản xuất để kích thích nông nghiệp phát triển.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu lấy lại vị thế đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực, nước Nga có thể giải quyết tình trạng căng thẳng lương thực hiện nay, hỗ trợ các quốc gia đang sống trong nạn đói và thiếu dinh dưỡng trên thế giới. Hơn thế nữa, sản xuất nông nghiệp gia tăng sẽ giúp nước Nga tăng thêm quyền lực trên thế giới, không kém gì quyền lực mà dầu khí đã mang lại cho nước Nga trong những năm gần đây.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục