Cơ hội tăng thị phần hạt gạo

Thời gian qua giá gạo Việt Nam liên tục đứng hàng đầu thế giới. Giá gạo trắng Việt Nam bình thường giao dịch ở mức 488-492 USD/tấn với gạo 5% tấm, 463-467 USD/tấn với gạo 25% tấm. Đó là thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam. 

So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn trong tốp 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, giá gạo trắng Việt Nam hiện cao nhất.

Đây không phải câu chuyện ngẫu nhiên mà là kết quả quá trình từ tổ chức sản xuất đến xây dựng thương hiệu. Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tới nay cơ bản Việt Nam đã hình thành được những vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô, đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Ngành hàng này cũng có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư bài bản theo mô hình cánh đồng lớn, thực hiện liên kết bao tiêu chặt chẽ cho nông dân. Theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm. Dù cơ hội lớn, tuy nhiên để gạo Việt Nam vào được thị trường EU, thách thức cũng không nhỏ. Bởi lẽ, EU yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của DN. Thêm vào đó, thị trường này lại đang chuộng các sản phẩm gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanmar… và trong tổng số hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam lại có một lượng lớn dành cho các chủng loại gạo đặc sản, trong khi hiện sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này cũng không lớn. Một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường EU là chất lượng. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này. Vì thế, thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây là giải pháp tối ưu. Bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, DN cần xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, thương hiệu gạo của Việt Nam để có thể chắc chân ở những thị trường lớn.

Ngoài các yếu tố trên, theo các chuyên gia xuất khẩu gạo; DN phải lưu ý vấn đề trung thực. Cụ thể, khi làm thủ tục với các đối tác tại châu Âu họ sẽ đưa một danh sách dài để điền các thông tin về sản phẩm như vùng trồng, giống, kỹ thuật trồng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền con người và các chính sách cho người lao động. Họ đề cao tính trung thực của DN nên ban đầu sẽ không kiểm tra gì. Chỉ đến khi mang hàng qua họ sẽ bắt đầu kiểm tra và chỉ cần vi phạm một yêu cầu nào đó mới điều tra. Nếu kết quả DN không trung thực, đối tác sẽ trả hàng và liệt DN vào danh sách “đen” - xem như cơ hội làm ăn tại thị trường này chấm dứt. Điều này có nghĩa, muốn trụ vững tại thị trường EU, chúng ta phải đáp ứng tiêu chí họ đưa ra ngay từ đầu và DN cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu đó.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu theo hình thức G2P (chính phủ - tư nhân) để có nguồn cung với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Cùng đó, các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Trước xu thế toàn cầu trên, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân. Với điều kiện thuận lợi hiện tại, gạo Việt Nam đang có vị trí tốt và là cơ hội để nông dân, DN nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thế giới.

Tin cùng chuyên mục