Cơ hội từ TPP

Sau 5 năm chờ đợi, cuối cùng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất tại thành phố Atlanta (Mỹ), mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Từ năm 2010, 12 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm trong khối. TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Việc hoàn tất đàm phán TPP được ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đánh giá là một “kỳ tích lịch sử”. Điều đó thể hiện ở việc mất tới 5 năm, với hơn 20 vòng đàm phán quyết liệt và với không ít những dịp bị lỡ hẹn. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hiệp định này đề ra những tiêu chuẩn rất cao, cả về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động... TPP tạo ra một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á, là những khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành những thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu 18 tháng. Đây là khoảng thời gian để các nước tham gia chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tốt hiệp định. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực.

Tất nhiên, đó mới chỉ là những tính toán mang tính lý thuyết. Thực tế cho thấy các hiệp định thương mại tự do bao giờ cũng mang lại cả cơ hội và thách thức. Nhìn rõ thách thức để vượt qua chính là cách tốt nhất để tận dụng được những cơ hội mà “kỳ tích lịch sử” TPP mang lại cho kinh tế Việt Nam. Bài học sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu chính sách vĩ mô thích hợp và những cải cách cần thiết. Một nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu và phát triển (VERP) cho thấy, khi TPP được thực thi, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu của Việt Nam sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ... Bởi vậy, muốn thành công Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi.

Nhận định về cơ hội mà TPP mang lại cho Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lưu ý: “Cần phải thấy đây là sự thay đổi về luật chơi. Việt Nam phải chủ động cải cách thể chế để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mà hiệp định mang lại”. Các tiêu chuẩn rất cao của TPP về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Để thực thi cam kết TPP, thời gian tới Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một khối lượng lớn các quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Chỉ khi có sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, chúng ta mới có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế kinh tế mà biểu hiện rõ nhất là tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, các quy định thông thoáng hơn của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thay đổi được tư duy về quản lý của bộ máy thực thi. Việc xuất hiện trở lại “giấy phép con” sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực; hay sự lơ là trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh của một số bộ, ngành, địa phương cho thấy đây sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Hơn lúc nào hết, yêu cầu chuyển đổi từ tư duy “nhà nước điều hành” sang “nhà nước kiến tạo phát triển” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần đưa ra phải được quán triệt một cách sâu sắc để tạo ra sự cải cách thực sự. “Dứt khoát phải thay đổi tư duy để không biến doanh nghiệp và cơ quan quản lý thành đối thủ của nhau mà đồng hành, là đối tác để hướng ra bên ngoài”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. Đây có lẽ cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể vượt qua thách thức, tận dụng được các cơ hội mà TPP mang lại.


MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục