
Khi đến Hà Nội, ghé những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hàng Gai, Hàng Trống… khách du lịch sẽ bị choáng ngợp bởi đủ loại quạt với nhiều màu sắc và chất liệu do Trung Quốc sản xuất. Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng những chiếc quạt của Việt Nam không còn chỗ đứng trên thị trường.
Thế nhưng, từ 15 năm qua, một người phụ nữ Hà thành nhỏ nhắn đã biết nâng tầm giá trị nghệ thuật và tìm ra lối đi riêng cho những chiếc quạt Việt Nam.
Duyên nợ với nghề làm quạt

Chị Tuyết làm những chiếc quạt truyền thống
Đến thăm nhà nghệ nhân làm quạt Lân Tuyết vào một buổi chiều mùa đông, chúng tôi vẫn bắt gặp chị lúi húi bên những chiếc quạt màu xanh nước biển đang ở khâu hoàn thiện cuối cùng.
Nghệ nhân Lân Tuyết vốn xuất thân từ làng làm quạt truyền thống Tràng Sơn (Thạch Thất - Hà Tây). Sau khi thủ đô được giải phóng, cha đẻ của chị, nghệ nhân Nguyễn Đức Lân, đã mang nghề của quê hương ra Hà Nội và đã đạt được những thành công đáng kể trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi nhà nước áp dụng chính sách mở cửa nền kinh tế, quạt Trung Quốc giá rẻ và nhiều mẫu mã mới lạ đã tràn sang thị trường Việt Nam, khiến quạt của Việt Nam gần như không còn chỗ đứng.
Ai cũng nghĩ chị Tuyết là “viển vông”, “phi thực tế”, “tinh tướng” và thậm chí là bị “hâm” vì chính vào cái thời điểm khó khăn đó, khi chiếc quạt truyền thống của Việt Nam đang bị thoái trào, chị lại từ bỏ công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước phù hợp với sức khỏe của chị (chị Lân Tuyết không may bị ốm nặng khi lên 8 tuổi, khiến một chân bị yếu và phải dùng nạng) để quay về với nghề làm quạt. Ngay cả anh trai của chị cũng phải bỏ nghề vì phải lo cho cuộc sống gia đình. Chị Tuyết không rõ chị đã chọn nghề hay chính cái nghề làm quạt đã chọn chị. Nó là cái duyên, cái nợ từ bao giờ mà chị phải trả.
Tiếng “thơm” đã thoảng
Ngay từ những năm 1990, quạt của Lân Tuyết đã đại diện cho quạt Việt Nam tham gia các cuộc giao lưu văn hóa nghề truyền thống ở trong và ngoài nước. Giờ đây, chiếc quạt của Lân Tuyết đã hiện diện ở khắp năm châu lục, được sử dụng bởi nhiều đối tượng khác nhau với nhiều mục đích khác nhau: làm vật trang trí, vật làm duyên, hay một chiếc quạt đơn thuần sử dụng khi trời nóng.
Những chiếc quạt do nghệ nhân Lân Tuyết thiết kế thường đậm đà phong cách dân gian và sử dụng chất liệu mộc mạc. Quạt của Lân Tuyết được làm bằng nhiều chất liệu như giấy, lụa, tơ, gỗ, tre, sừng... và có nhiều kích cỡ khác nhau, từ nhỏ đến to, giá có thể dao động từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Cái đặc biệt của quạt Lân Tuyết là chúng không bị rập khuôn, mẫu mã đa dạng và thường là kết quả của một quá trình lao động tìm tòi, sáng tạo lâu dài. Từ kiểu dáng, màu sắc đến số nan, quạt của Lân Tuyết mang tính triết lý đạo Phật phương Đông của người châu Á nói chung nhưng cũng không mất đi cái riêng của quạt Việt Nam và quạt Lân Tuyết. Màu sắc được lựa chọn thường là gam trầm, ấm; số nan mà chị Lân Tuyết ưa dùng là 17 (các loại quạt khác của Việt Nam có 18 nan, còn của các nước châu Á khác có thể nhiều hơn) vì theo chị, trong vòng quay của sự sống, số 17 là chữ “Sinh”. Vì có 17 nan nên chiếc quạt mở ra một vành rộng vừa phải, không phô trương như những chiếc quạt của nước ngoài, vừa đủ gió lại gọn ghẽ.
Cầm một chiếc quạt trên tay và giơ lên trước ánh sáng, chị Lân Tuyết chỉ cho chúng tôi thấy những họa tiết chìm và nổi được khéo léo trang trí trên quạt. Khi đung đưa trước gió và đan xen với ánh sáng nền, những đường nét trên quạt toát lên một vẻ đẹp hài hòa độc đáo, rất Á Đông… Trung Quốc vốn là thiên đường của các loại quạt, nhưng với những chiếc quạt làm bằng sợi tơ đặc sắc của Việt Nam, qua bàn tay của mình, nghệ nhân Lân Tuyết đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính am hiểu về quạt ở Trung Quốc.
Chị Lân Tuyết cảm thấy vui và tự hào khi tham gia nhiều cuộc triển lãm trên thế giới, quạt của Lân Tuyết luôn được đón nhận và được trao giải thưởng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Hà Nội đã tìm đến chị vừa để tìm hiểu, vừa để động viên, cổ vũ chị tiếp tục công việc. Ngay từ những năm 1990, lãnh đạo của các Bộ Văn hóa, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Du lịch đã cấp bằng khen nghệ thuật cho nghệ nhân Lân Tuyết, thừa nhận những đóng góp của chị đối với việc gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Giờ đây, quạt Lân Tuyết đã có thương hiệu, nhưng cái hay, cái đẹp của quạt thì vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đôi khi nghệ nhân Lân Tuyết còn cảm thấy buồn vì một chiếc quạt làm bằng sợi tơ có thể bán dễ dàng với giá 20 euro ở Pháp, lại bán một cách chật vật với giá 30.000đ ở Việt Nam cho dù chị phải bỏ ra nhiều thời gian để giải thích với khách hàng về giá trị của nó.
Hiện nay, nghệ nhân Lân Tuyết đang cùng những người bạn trong ngành kinh doanh thử nghiệm việc phát triển đại trà những chiếc quạt cầm tay bằng cách chuyển thể chiếc quạt sang dạng “tờ gấp” để quảng bá cho ngành du lịch ở Quảng Bình. Với việc làm này, chị hy vọng có thể vừa giúp những người nông dân ở địa phương có được công ăn việc làm, vừa giới thiệu được nền văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Một điều tưởng như là nghịch lý khác: quạt Lân Tuyết dù đã xuất hiện ở cả năm châu lục, nhưng lại vắng bóng ở các cửa hàng lưu niệm tại Hà Nội - nơi giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam. Nghệ nhân Lân Tuyết giải thích khi mà chị chưa đủ sức cung cấp lượng lớn hàng hóa cho thị trường, chị không muốn đưa các sản phẩm của mình ra thị trường vì sau đó chúng có thể bị những người làm quạt kiểu “ăn xổi” đánh cắp và thương mại hóa, làm mất đi tính nghệ thuật của những chiếc quạt mang tên Lân Tuyết. |
QUANG HUY