Câu chuyện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp - mạng di động ở Việt Nam đã được đề cập rất nhiều, từ lâu. Vậy, việc CPH các mạng di động Việt Nam hiện đang ở đâu, triển khai đến đâu?
Thị trường viễn thông di động Việt Nam đang có 5 mạng khai thác: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gmobile. Trong đó hơn 90% thị phần đang nằm trong tay 3 “đại gia” Viettel, VinaPhone và MobiFone. Mạng di động lớn nhất Việt Nam hiện nay (chiếm khoảng 40% thị phần) là Viettel. Sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của Viettel đã trở thành hiện tượng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm khu vực và thế giới. Ra đời vào cuối năm 2004, Viettel đã lần lượt vượt qua các đàn anh trước đó như MobiFone, VinaPhone để trở thành mạng di động thống lĩnh, dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Rất nhiều lần, khi được phóng viên hỏi về vấn đề CPH, các lãnh đạo Viettel đều khẳng định: Viettel không bao giờ CPH mạng viễn thông cũng như dịch vụ di động của mình ở Việt Nam. Theo đó, Viettel có thể CPH rất nhiều lĩnh vực mình tham gia đầu tư như bất động sản, ngân hàng, xây dựng, bưu chính, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài... riêng phần viễn thông, nhất là dịch vụ di động thì không. Theo một lãnh đạo Viettel, vốn là doanh nghiệp 100% vốn của Bộ Quốc phòng ngay khi ra đời, Viettel chỉ có thể thực hiện thành công những khát vọng, ước mơ, dự định của mình đối với xã hội, khi không CPH, không chịu sức ép và sự chi phối của các cổ đông. Câu chuyện CPH mạng Viettel khó mà diễn ra trong thời gian gần.
Khách hàng lựa chọn mạng điện thoại có lợi nhất cho mình. (Ảnh: đăng ký thuê bao tại một công ty điện thoại). Ảnh: T.L
VinaPhone và MobiFone vốn đều thuộc VNPT và trước đây, trong khi MobiFone hạch toán độc lập thì VinaPhone lại hạch toán phụ thuộc. Đã từng có thời điểm, phương án tách VinaPhone ra hoạt động độc lập và tiến hành CPH đã được Bộ TT-TT và VNPT nghiên cứu. Nhưng do những vấn đề lịch sử để lại và đặc biệt sau khi có Quyết định số 888 (ngày 10-6-2014) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015, thì câu chuyện CPH VinaPhone coi như không được tính tới nữa. VNPT đã tiến hành tái cấu trúc và hoạt động của mạng VinaPhone bây giờ thuộc sự điều hành của Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT-VinaPhone. Chiếm 30% thị phần di động, hoạt động của VinaPhone hiện đang tiếp tục trên nền tảng các dịch vụ viễn thông của VNPT từng có và thành công trong lịch sử. Chắc chắn, chỉ khi nào công ty mẹ VNPT tiến hành CPH, thì việc CPH VinaPhone mới được tính đến.
MobiFone là trường hợp được nói và hy vọng nhiều nhất trong việc CPH đối với các mạng di động Việt Nam. Các chuyên gia từng hy vọng việc CPH MobiFone sẽ giúp thị trường viễn thông di động Việt Nam cạnh trạnh và ngày càng minh bạch hơn. Các đại gia viễn thông nước ngoài ở Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Anh... cũng từng đặt vấn đề tham gia CPH MobiFone và MobiFone cũng là mạng di động đầu tiên của Việt Nam (1993) thực hiện mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển). Trước năm 2005, MobiFone là mạng di động số một Việt Nam về mọi mặt. Năm 2005, cùng với việc thanh lý BCC với Kinnevik/Comvik, Chính phủ và Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) có quyết định chính thức về việc CPH MobiFone và dự kiến đến 2009 sẽ tiến hành CPH mạng này.
Đầu năm 2009, Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) đã có định giá sơ bộ MobiFone giá trị hơn 2 tỷ USD. Câu chuyện CPH đến thời điểm đó tưởng như sắp xong. Thế nhưng, không rõ do Chính phủ, Bộ TT-TT hay là do VNPT và MobiFone, mà câu chuyện CPH MobiFone đã không diễn ra như trông đợi của rất nhiều người. Một thời gian dài, câu chuyện MobiFone ở lại VNPT hay tách ra; CPH MobiFone khi đang thuộc VNPT hay tách ra rồi CPH... trở thành tâm điểm của dư luận và báo chí, nhưng rồi tất cả không đi đến đâu. Với việc VNPT thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 7-2014, MobiFone chính thức tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT-TT và đến cuối năm 2014 Tổng công ty Viễn thông MobiFone chính thức ra đời. Cùng thời điểm đó, một báo cáo của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết, giá trị Mobifone ước tính khoảng 3,4 tỷ USD. Một lần nữa, việc CPH MobiFone được nhắc đến và thời điểm đó, lãnh đạo Bộ TT-TT đã cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình này, dự kiến đầu năm 2015 sẽ có phương án CPH MobiFone và sẽ thực hiện ngay trong năm đó.
Đến nay, gần 2/3 năm 2016 đã trôi qua, nhưng vấn đề CPH MobiFone vẫn chưa thấy “tăm hơi”. Chưa hết, mới đây, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chưa biết kết quả thanh tra như thế nào, nhưng chắc chắn một điều, tất cả kế hoạch và phương án CPH MobiFone lại đành “xếp lại”, chờ có kết quả thanh tra. Trường hợp MobiFone và câu chuyện CPH các mạng di động Việt Nam xem ra vẫn còn rất dài hơi và quá phức tạp...
TRẦN LƯU