Thật sự là khó có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Đến tư lệnh ngành văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, khi đăng đàn trả lời tại Quốc hội cũng phải bó tay khi nói rằng sự xuống cấp chung của đạo đức (tất nhiên trong đó có văn hóa) là tại… kinh tế, hay nôm na nói tại sự phát triển quá nóng của kinh tế kéo theo những hệ lụy mà bản thân ngành của ông không giải quyết được.
Tóm lại là chúng ta đang mất phương hướng trong hành trình đi tìm “sự phát triển của một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chuyện lớn như xây một nhà hát giao hưởng đa năng ở TPHCM giúp tiếp cận đỉnh cao âm nhạc hàn lâm, lẽ ra là điều cần làm và nên làm thì cũng đầy rẫy lời ong tiếng ve, người làm thật thì ít, người kéo xuống thì nhiều. Có người đổ lỗi thì đó là chuyện lớn tuy trên thực tế, thành phố đã bố trí đủ vốn, đủ điều kiện, trong đó có điều kiện tiên quyết là mặt bằng sạch, không vướng câu chuyện đền bù giải tỏa muôn thuở. Nhưng còn những chuyện nhỏ nhắn hơn, nhỏ như “con thỏ” thì sao? Rất tiếc, sự hỗn loạn chung cũng để lại những dấu ấn tiêu cực, biến bé thành lớn, bé xé ra to. Không đâu xa, chuyện nhỏ như lãnh vực thơ ca hò vè cũng bỗng dưng dậy sóng, không còn chất “thanh tao” vốn có, trở thành mối bận tâm, nỗi lo lớn. Chúng ta đi du lịch nước ngoài nhìn những pho tượng sang trọng nhất thì đều đoán ngay là tượng các danh nhân văn hóa được tạc vì những đóng góp có tính chất khai phóng.
Họ, không ít người là nhà thơ, có cuộc sống cá nhân bi kịch, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, thể chế đã tự tìm cái kết thúc riêng, một mình đối mặt với cảm xúc cá nhân. Như đại nhà thơ Maiakovsky sau khi hét to “Cuộc sống tươi đẹp làm sao!” đã kê súng vào đầu bóp cò, và ra đi mãi mãi, trên môi còn nhoẻn nụ cười. Thật nhẹ nhõm. Còn chúng ta? Chúng ta khác khi coi thơ mình “là nhất” rồi rút súng bắn vào người khác. Bắn trực diện ngoài đời, bắn gián tiếp trên không gian ảo với những lời đay nghiến “thật”. Nước Nga, một cường quốc văn hóa đọc, có một trang mạng chuyên đăng thơ thuộc dạng nhiều người đọc nhất với cả triệu bài thơ đăng tải. Đáng chú ý là trên trang thơ này có cả các bộ trưởng và người phàm mê thơ. Ai cũng được quyền đăng thơ mình, không phân biệt địa vị, giàu - nghèo, và không có bất cứ lời “còm men” mang tính chất phỉ báng hay miệt thị. Vì chỉ còn thơ là được phép bình đẳng trước pháp luật.
Từ đó mới thấy cách ứng xử văn hóa ở ta đang có vấn đề trầm trọng. Thậm chí có nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi nhà thơ vừa là nạn nhân của “cái tôi” vừa là kẻ chủ mưu lừa đảo buôn bán “cái tôi” quá lớn, một “cái tôi” méo mó, biến dạng trong cuộc sống sôi sục vì đồng tiền. Mới nhất, sau khi cơ quan công an bắt một vụ giả danh nhà báo làm tiền doanh nghiệp ở Thanh Hóa, người ta mới tá hỏa khi được biết kẻ lừa đảo này còn liên quan đến… thơ với cái tên rất thơ và là chủ nhiệm một câu lạc bộ (CLB) sáng tác văn học nghệ thuật có chi nhánh tại 15 địa phương trên cả nước. CLB có tới 4.500 thành viên và hầu hết là các cụ đã nghỉ hưu hoặc mấp mé “bên kia bờ ảo vọng”. Có tiền thì ắt có thơ, có nhà thơ, khi “thủ lĩnh” phong trào thơ ca này ký tên thu tiền: một bằng khen giá 500.000 đồng, một con dấu cấp cho các chi nhánh thu 460.000 đồng, thẻ hội viên thu 100.000 đồng… Tất nhiên cũng có tổ chức thi thố thơ với ban giám khảo từ hội nhà văn sang chấm (có thẻ hội viên thật) với tiêu chí nghệ thuật là càng góp nhiều tiền… thì giải càng cao. Và đây chỉ là một vụ tiêu biểu bị cơ quan pháp luật “sờ gáy” vì trong thực tế số CLB kiểu vậy nhiều vô kể.
Và người đời cũng chỉ đành chép miệng: thôi thì thôi, mất tiền nhưng còn được… cái danh văn sĩ. Song ngẫm nghĩ chúng ta thấy đắng lòng vì mọi tiêu chí nghệ thuật và rộng hơn là thị hiếu nghệ thuật, đã bị cào lấp, đánh đồng thật giả. Một ví dụ điển hình là chuyện hội họa, tranh pháo, thuộc diện nghệ thuật cao cấp, cũng phải học cách thưởng ngoạn hệt như khi đi nghe nhạc giao hưởng - thời gian qua cũng tạo ra những ý kiến trái chiều, khen ít chê nhiều. Không nói chuyện vụ một người trong giới “sâu bít” ký tên thẳng lên tranh vẽ của cây cọ có tiếng Hứa Thanh Bình, người đời ngẩn ngơ hơn… xu hướng “tranh Bờ Hồ” (một thuật ngữ chỉ dòng tranh được bày bán quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và các phố lân cận ở Hà Nội có chất lượng nghệ thuật không cao) đang lên ngôi như “đỉnh” của “đỉnh” nghệ thuật. Thời gian gần đây bỗng dưng dòng tranh của các họa sĩ được đào tạo từ thời Trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương được săn lùng, tăng giá chóng mặt. Đúng là tác phẩm chỉ có giá sau khi người vẽ trở về thiên cổ. Và đáng nói hơn là họa sĩ cũng có năm bảy đường họa sĩ, người có tài thực, kẻ không và không phải ai cũng dám xưng danh một Picasso, Dali thứ hai, nhưng ở chúng ta… thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đã có một “phố Phái” rồi thì người ta, chủ yếu người buôn tranh với sự mối lái của không ít kẻ mang danh “nhà phê bình nghệ thuật”, cũng phải nghĩ ra vẫn còn thêm tranh “phố X”, “phố Y” tuy phẩm họa của họa sĩ đó chỉ ở mức một cây vẽ truyền thần.
Còn nhớ một thời “bao cấp” khi các cây đại thụ cỡ như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân… phải vẽ tranh đem cấn nợ cho ông Lâm “toét” để đổi ly cà phê đen và miếng trứng ốp la mà thương. Nhưng chí ít vẫn còn chất nghệ thuật trong đó. Thời nay, họa sĩ trẻ bán được tranh tính ra “đô”, ra vàng, ra biệt thự, biệt phủ, nhưng sao vẫn thấy nghèo chất nghệ thuật, nghèo nàn chất sáng tạo… Vì tất cả tinh hoa đã được quy đổi ra tiền, đã hết từ lâu trước sức nóng hầm hập của đồng tiền. Để kết thúc bài viết, xin dẫn ra dòng tâm sự của một nhà văn - xin trích nguyên văn: “Hôm rồi gặp anh bạn họa sĩ thân chuyên vẽ mái đình, giếng nước, thiếu nữ cầm nón và liễu rủ Bờ Hồ, người viết bài này hỏi “Dạo này tình hình bán chác thế nào?”. Câu trả lời là: “Đã bán hết sạch. Chiều qua vừa bán nốt cái xe máy”.
Và thật sự có tiền, có văn hóa?