Coi chừng “hàng hiệu xách tay”

Coi chừng “hàng hiệu xách tay”

Nhiều người sính “hàng hiệu” quần áo, đồng hồ, túi xách, giày, mỹ phẩm… nhưng nếu mua hàng của chính hãng trong các shop thì rất đắt nên săn lùng “hàng hiệu xách tay” giá “nhẹ” hơn. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều đường dây cung cấp hàng hiệu xách tay ra đời. Thế nhưng, trong thế giới “hàng hiệu xách tay” ấy vàng thau lẫn lộn mà rất nhiều người không rành nên mua nhầm, mua hớ, thậm chí bị... lừa!

Hàng hiệu “Made in... Trung Quốc”!

Coi chừng “hàng hiệu xách tay” ảnh 1

Mua hàng hiệu ở shop của chính hãng có thể đắt hơn nhưng an tâm

Em trai của người bạn đem đến nhà một giỏ xách quần áo, ví, dây nịt (thắt lưng) hàng hiệu mới toanh với nhiều tên tuổi như Guess, Levi’s, Valentino, Lacoste, CK, Versace, Armani... Anh này giới thiệu toàn bộ giỏ hàng này mới đem từ Mỹ về, tính để xài nhưng túng tiền bán bớt. Thú thật, người làm công ăn lương như tôi khó mà có thể tự tin bước vào “shop” mua, nên đây là dịp được mua hàng hiệu để “kèn cựa” với thằng bạn cùng phòng trong cơ quan lúc nào cũng chơi đồ xịn và chê tôi “lúa”. Trong lúc lựa thì tôi phát hiện một chiếc áo còn nguyên mác với dòng chữ nhỏ “Made in China”, tôi hỏi: “Ủa, sao có hàng Trung Quốc ở đây?”, anh ta nhanh tay giật lại, cuộn trên tay, rồi phân trần: “Không, không đâu, ở nhà để lộn vào chứ làm gì có. 100% em đem từ Mỹ về. Qua đó “lùng” muốn chết mới được bây nhiêu”.

Tôi tin thiệt và cũng chẳng quan tâm vì không nghĩ có hàng hiệu giả. Tôi chọn mua một dây nịt da hiệu Louis Vuitton với giá 400.000 đồng. Hôm sau vào cơ quan, khoe với thằng bạn. Mới liếc qua, nó liền “phán” một câu: “Hàng này mà của Louis Vuitton là tao “chết liền” tại chỗ”. Thằng bạn bảo tôi cởi ra, nó chỉ cho xem vài đặc điểm nhận dạng như: đường chỉ hàng hiệu thật đều, chữ in phải sắc nét, không bị lem… Nói đoạn, nó còn lấy đầu dây nịt gấp lại rồi buông ra, lắc đầu, nói thêm: “Hàng Trung Quốc đó ông. Hàng thiệt ông gấp lại khi buông nó sẽ bật ra ngay và không bao giờ để lại lằn nổi như cái này”! Tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt chứ biết sao khi người bán lại là thằng em ruột của đứa bạn khá thân.

Hiện nay, trên nhiều con đường như Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… có rất nhiều “shop” bán quần áo để bảng quảng cáo “Có hàng hiệu xách tay, giảm giá 50%” nhưng qua điều tra của chúng tôi thì hầu hết là hàng giả - nhái hiệu được sản xuất trong nước hoặc từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan… Nào là giày dép của Nike, Clack, Gucci, Columbia, Adidas…; đồ da, túi xách, dây nịt của Louis Vuitton, Bonia, Samsonite, Longchamp... nhưng có giá khá “mềm”.

Tỷ như một bộ “underware” (đồ lót) hiệu Victoria’s Secret chỉ có giá 300.000 đồng, trong khi đó hàng thật chính hãng giá không dưới 100 USD/bộ. Có nơi bán thì nói hàng hiệu loại II, có chỗ thì gọi là hàng gia công cho các hãng nổi tiếng, chỗ nọ thì bảo rằng công nhân làm trong chính hãng “ăn cắp” đem ra ngoài bán (?). Khi “bị” quả quyết là hàng giả hiệu, thì chủ một cửa hiệu quần áo trên đường Nguyễn Đình Chiều (Q.3), nói: “Ừ, thì đáp ứng cho những người thích làm oách, chỉ cần mặc qua “mấy tuần mưa nắng” là được, chứ hàng hiệu thật làm gì có giá đó”.

Những chiêu lừa kiểu: “Hồn Trương Ba”

Đường Nguyễn Gia Thiều (Q.3) là nơi tập trung “giày hiệu xách tay” (phần lớn là hàng “secondhand”, hàng “sida”), tôi tìm đến, thấy có rất nhiều loại giày của các hãng nổi tiếng như: Polo, Gucci, Lotto, Timberland, Levi’s, Boot Rock… với đủ kiểu dáng, từ đôi giày da, giày “Tây” sang trọng, lịch lãm cho quý ông, giày cao cổ của những chàng cao bồi miền Viễn Tây (Hoa Kỳ), đến những đôi giày gồ, giày “bụi” mạnh mẽ. Nghe nói ở đây có những đôi giày được xếp vào loại “độc”, chưa chắc trong các cửa hiệu sang trọng có.

Một chủ bán đon đả đưa cho tôi đôi Docker, rồi “hét” giá 900.000 đồng và cho biết “giá trong shop phải hơn hai triệu đồng”. Theo điều tra của chúng tôi, bây giờ giày hiệu xách tay ở đây không còn “thứ thiệt” như trước kia nữa, mà đã có sự “đánh tráo” hàng giả hiệu bán lẫn lộn với hàng thật. Có những đôi giày “hiệu” cũ đã bị người bán “xà xẻo” bằng cách thay đế, phôm hoặc dây “dỏm” vào, khi mua khó nhận biết – nhất là những người không rành về giày, sử dụng một thời gian mới phát hiện mình đã bị lừa.

“Hàng hiệu xách tay” vào Việt Nam bằng các con đường: Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách “outbound” – từ trong nước du lịch nước ngoài, khi về tranh thủ mua sắm (một số được mua ở cửa hàng miễn thuế), rồi gởi cho khách trong đoàn của mình mỗi người một ít để “qua mặt” hải quan, về gom lại bán kiếm lời. Thứ hai là người vừa du lịch, thăm thân nhân rồi tận dụng mua sắm, về bán lại. Thứ ba là một số tiếp viên hàng không mua hàng theo những chuyến bay, về nước có đường dây “thầu” bỏ mối cho các shop. Thứ tư là Việt kiều về nước thường mang theo cho người thân đem bán. Nếu khách mua được từ những nguồn này thì thường là hàng hiệu xách tay “xịn”, tốt.

Còn chị Hồng, gần nhà của người viết bài này cho biết, vừa rồi chị đi chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) mua mỹ phẩm tại quầy A.T. Chủ quầy nói với chị là đang có một ít mỹ phẩm hàng hiệu của gia đình gửi từ nước ngoài về cho, nhưng không xài, muốn bán lại, rồi người bán lấy từ trong túi xách da thật đẹp đưa cho chị xem một số loại mỹ phẩm gồm son, phấn, kem dưỡng da của Christan Dior, Lauder, Clarins, Kanebo, Clinique, Carita, Shiseido… Là người có kinh nghiệm xài hàng hiệu, nên khi vừa thấy các sản phẩm ấy, chị Hồng biết ngay là hàng “xịn” nên “chụp” liền một lọ kem dưỡng da Water Bank Cream, vì chị biết lọ kem này ở ngoài thị trường bán không dưới 550.000 đồng, trong khi đó ở đây chỉ có 190.000 đồng. Về nhà xài một thời gian thấy hơi lạ, chị đem ra shop của chính hãng ở Trung tâm mua sắm Diamond Plaza để hỏi, thì được nơi này trả lời là “cái hộp là đúng của hãng nhưng ruột thì không phải”. Lúc này chị Hồng mới biết mình đã mua sản phẩm “hồn Trương Ba, da hàng thịt”!

Không riêng gì ở chợ Bà Chiểu, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, nhiều quầy mỹ phẩm tại các chợ như An Đông, Tân Bình, Bến Thành… ngoài các sản phẩm trong và ngoài nước được bày bán thì người bán khi thấy khách hàng nào quan tâm đến hàng hiệu thì “nhấn nhá” và làm ra bộ đang có ít hàng hiệu xách tay rất quý, chỉ bán cho “những người biết xài” và luôn miệng nói kiểu: “Hàng này của gia đình từ nước ngoài cho, không xài bán lại” hoặc “hàng này của một người bạn mới đi nước ngoài mang về, gởi bán…”. Rồi họ “nịnh” khách nghe “ngọt lịm”, nào là “chị đẹp, chị xinh”, nên mấy chị thường dễ bị... “dính”, bị “bỏ thuốc”, mua về sử dụng, khi biết mình bị lừa thì đã muộn.

Châu Phong

Tin cùng chuyên mục