Coi chừng thị trường gần thành xa

Coi chừng thị trường gần thành xa

Xuất khẩu hàng hóa vào Campuchia

Từ nhiều năm qua, Campuchia là thị trường đứng đầu về xuất siêu hàng hóa của Việt Nam vào các nước ASEAN. Nhưng thời gian gần đây, tình hình có nhiều thay đổi. Hàng Việt đang có dấu hiệu co cụm, do cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại tại Campuchia.

Coi chừng thị trường gần thành xa ảnh 1

Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn giới thiệu hàng tại  hội chợ  PhnomPenh. Ảnh: Hải Hà

Khó trăm bề

Theo Vụ Thương mại biên giới và miền núi, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới năm 2015 ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước. Riêng tuyến Việt Nam - Campuchia, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới chiếm khoảng 11% thương mại biên giới cả nước, ước đạt 3,05 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 1,84 tỷ USD, giảm 4,8%; nhập khẩu ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014.

Những con số này hoàn toàn trùng hợp với phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) khi cho rằng xuất khẩu hàng Việt vào Campuchia ngày càng khó, đặc biệt là xuất hàng theo dạng mậu biên. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, có quá nhiều khó khăn cho hàng Việt tại Campuchia, trong đó có cả tâm lý bài trừ hàng Việt. Hiện Vissan đã thiết lập được mạng lưới phân phối tại hầu hết các tỉnh, thành lớn của nước này, nhưng từ giữa năm 2015 đến nay, gần như không phát triển thêm được. Lượng hàng bán sang Campuchia chỉ duy trì ở mức thấp hơn so với những năm trước. Ông Văn Đức Mười cho biết, hiện Vissan đã “dốc hết túi” cho thị trường Campuchia nhưng vẫn không làm gì được. Xúc xích và các loại thực phẩm khô của Vissan trước đây bán rất tốt, thì nay từng bước bị hàng Trung Quốc lấn át về giá, làm đảo lộn hoàn toàn thị trường.

Trên thực tế, mức độ cạnh tranh giữa hàng Việt với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực tại Campuchia ngày càng gay gắt. Nhiều DN cho biết, đã và đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các mặt hàng cùng loại tại thị trường này, do việc quản lý thuế của nước bạn còn lỏng lẻo. Cũng có thông tin cho rằng, một số nước có chung đường biên giới đã mua đường biên để hàng của họ dễ dàng xuất khẩu bằng tiểu ngạch, dẫn đến giá thành sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, theo chính sách mới của Campuchia là siết lại hàng hóa nhập khẩu, nên DN Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chính ngạch và phải chịu mức thuế rất cao. Theo một DN sản xuất thực phẩm, với mức thuế suất lên tới 35%, hàng Việt Nam rất khó phát triển tại thị trường này.

Được biết, Campuchia vẫn duy trì bốn mức thuế suất nhập khẩu, xuất khẩu chính ngạch với hàng Việt Nam (0%, 7%, 15%, 35%), cộng thuế VAT 10%, đã đẩy giá hàng hóa cao ngất ngưởng. Mặt khác, tình trạng giá điện cao gấp 3 - 4 lần so với Việt Nam, hạ tầng thương mại vẫn chưa phát triển do thiếu trung tâm thương mại, kho bãi, kho ngoại quan… nên khó càng chồng khó!

Nguy cơ hổng chân!

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, một trong những biểu hiện dễ thấy nhất, đó là tần suất tổ chức các hội chợ thương mại đầu tư của Việt Nam tại Campuchia ngày càng ít đi. Điều này rất đáng suy ngẫm! Trước năm 2014, trung bình Việt Nam tổ chức khoảng 4 - 5 hội chợ với quy mô rất lớn. Riêng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP (ITPC), mỗi năm cũng tổ chức 2 hội chợ tại Phnom Penh và Battambang để hỗ trợ DN tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu hàng hóa. Đến năm 2015, ITPC chỉ tổ chức 1 hội chợ và sang năm 2016 thì ngưng luôn. Ngay cả hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao cũng vắng bóng tại đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước đây, phía Campuchia hỗ trợ Việt Nam về chi phí thuê mặt bằng, cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng gần đây tất cả đều quy ra tiền, với chi phí rất lớn nên “lực bất tòng tâm”. Nói như nhiều DN, xuất khẩu qua Campuchia bây giờ quá khó nên họ chấp nhận chuyển hướng kinh doanh. Thị trường gần mà xa là vậy!

   Campuchia là một thị trường mở. Hàng hóa vào Campuchia khá dễ dàng nhưng lại có tính cạnh tranh rất cao. Hiện tại, nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã tìm được vị thế tại thị trường này nhưng để đạt được tốc độ phát triển bền vững và cạnh tranh tốt với hàng của các nước, DN Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản hơn, có định hướng kinh doanh đúng.
Ở góc độ vĩ mô, DN mong muốn, cơ quan chức năng cần tăng cường các hình thức hỗ trợ, thông qua việc tổ chức các hội chợ, đẩy mạnh thông tin cũng như công bố đầy đủ các cam kết trong các FTA, AEC để DN tiếp cận được các nguồn thông tin chính thống, tránh trường hợp bị động về cơ chế, chính sách như thời gian qua.
 


Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mỹ Phẩm Sài Gòn (MPSG), quý 1-2016, xuất khẩu hàng hóa của MPSG vào Campuchia vẫn tăng 10%, nhưng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2015 là 20%. Để đảm bảo an toàn cho hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường này, yếu tố quan trọng vẫn là DN. Các DN cần cập nhật liên tục các cơ chế, chính sách để có thể đối phó kịp thời trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bởi chuẩn mực về cơ chế ở đây còn rất thấp. Campuchia cũng như các nước trong Cộng đồng AEC đang tích cực điều chỉnh các chính sách để thực hiện  các cam kết, do vậy hàng Việt chắc chắn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan. Các DN nên phối hợp tốt với các đối tác tại nước sở tại để có thể nắm được danh mục các mặt hàng giảm thuế. Tại thời điểm này, DN cần tăng cường khâu marketing để đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp, thiết lập đại lý, giữ vững niềm tin về thị trường để chờ cơ hội.

Ông Văn Đức Mười chia sẻ, người dân Campuchia đang rất dè xẻn trong chi tiêu, do vậy các DN Việt Nam càng phải năng động và kiên trì hơn, tận dụng mọi cơ hội để quảng bá hàng hóa, theo dõi và tìm hiểu các chính sách mới để có biện pháp kinh doanh phù hợp. Nếu DN không dồn sức cho thị trường này và kiên trì bám trụ thì hàng Việt Nam sẽ bị hổng chân ngay lập tức 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục