“Cởi trói” để tự chủ

Sau nhiều năm khuyến khích thực hiện tự chủ, đến nay TPHCM chỉ có 2 trường học tự chủ hoàn toàn về tài chính và 3 trường THPT theo mô hình tiên tiến hội nhập đang từng bước tự đảm bảo chi thường xuyên. Tuy nhiên, dù tiên phong với mô hình tự chủ, nhưng các cơ sở giáo dục dấn thân thí điểm đều nhận thấy con đường này quá gian nan. Rào cản lớn nhất, khó tháo gỡ nhất chính là vướng mắc từ quy định thu học phí nhưng phải bảo đảm mức trần. Hai đơn vị Trường THPT Nam Sài Gòn, Mầm non Nam Sài Gòn đã tự chủ hoàn toàn từ lâu nhưng học phí 400.000 đồng/học sinh/tháng vẫn áp dụng theo quy định gần 20 năm nay.

Để đảm bảo mức chi thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển, hai trường này phải thỏa thuận với phụ huynh về các khoản thu thêm để tổ chức các hoạt động, dịch vụ giáo dục. Tương tự, 3 trường THPT thực hiện theo mô hình tiên tiến, hội nhập là Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền dù được thu học phí ở mức cao - không quá 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng mức thu này chưa đủ bù chi, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện. Với yêu cầu phải tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chuẩn hội nhập quốc tế, các trường này đang cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và giảng dạy theo mô hình tiên tiến, chú trọng kỹ năng mềm, tiếng Anh… Dù có điều kiện về tài chính tốt hơn để hoạt động theo mô hình giáo dục tiên tiến nhưng so với yêu cầu đổi mới, tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chuẩn hội nhập quốc tế, hoạt động ở các trường này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

Chúng ta không thể đòi hỏi có sản phẩm giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn hội nhập quốc tế với mức đầu tư thấp và thu không đủ bù chi. Chỉ tính một phép toán nhỏ: một trường THCS có gần 2.000 học sinh, với 68 giáo viên, đã chi gần 2 tỷ đồng tiền lương/tháng. Như thế, để tự chủ thì mức thu học phí đủ trả lương cho giáo viên phải là bao nhiêu mới đủ bù chi?

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM về thực hiện tự chủ và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, định hướng phát triển ngành đến năm 2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của ngành về những khó khăn vướng mắc xung quanh vấn đề tự chủ. Chia sẻ với thực tế ngành giáo dục TPHCM đang gặp nhiều áp lực, thiếu kinh phí hoạt động, trả lương chưa thỏa đáng cho giáo viên, đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo TP phải đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục. Có như vậy, chúng ta mới thực sự đổi mới giáo dục, tạo ra sản phẩm giáo dục tốt, thích ứng nhanh với hội nhập quốc tế.

Với bài toán nan giải là ngân sách không thể bao cấp mãi và TPHCM không thể đầu tư cào bằng trong giáo dục, chúng ta phải làm gì để tạo cú hích khuyến khích các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP mạnh dạn tự chủ hoàn toàn. Để làm được điều này thì TP phải có cơ chế, chính sách đồng bộ và trao quyền tự chủ cho các trường đủ điều kiện tự xây dựng mức thu học phí đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận. Khi được trao quyền thực thụ, chủ động tuyển giáo viên giỏi nghề, trả lương xứng đáng… các trường sẽ năng động, phát huy sáng tạo, tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chuẩn như xã hội mong muốn. Hơn nữa, khi có thêm nhiều trường công lập tự chủ về tài chính thì áp lực chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục sẽ giảm. Từ đó, nguồn ngân sách eo hẹp của TP sẽ tập trung vào các trường có nội lực yếu hơn để vực các cơ sở này vươn lên, phát triển đúng hướng.

Nhưng để khuyến khích tự chủ mạnh hơn, rộng hơn, TP phải tháo gỡ cơ chế, “cởi trói” chính sách hiện hành đang bó buộc các trường học muốn thử sức, phát huy sức sáng tạo. Theo đó, cơ chế, chính sách kèm theo phải rõ ràng, tạo sự công khai, minh bạch để tạo dựng niềm tin của xã hội lẫn người học. Mặt khác, cần có một hành lang pháp lý để các trường có thể yên tâm huy động các nguồn lực xã hội, tạo nguồn tài chính dồi dào cho quá trình hoạt động lâu dài, bền vững.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục