Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các phương pháp dạy học tích cực trên thế giới liên tục du nhập vào Việt Nam, tạo nên phong trào đổi mới phương pháp dạy và học mạnh mẽ ở tất cả cấp học. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp, chất lượng và hiệu quả còn phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm và sự chủ động của mỗi giáo viên.
Học mà chơi, chơi mà học
Sáng 29-10, hơn 800 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) có dịp “cháy” hết mình với tiết mục đồng diễn văn nghệ “Em yêu nón bảo hiểm”. Ngôi trường với diện tích nhỏ hẹp, nằm sâu trong một con hẻm và lâu lắm rồi mới có một ngày hội rộn rã tiếng cười và ngập tràn màu sắc đến như vậy. Đặc biệt khi sân trường có sự xuất hiện của “Biệt đội siêu nhân”, các lớp học như vỡ òa, học sinh được sống trong không khí của những câu chuyện cổ tích.
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường vinh dự là một trong 8 trường tiểu học trên địa bàn TPHCM tham gia dự án “Nón bảo hiểm cho trẻ em” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ GD-ĐT và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á thực hiện. Ngoài hoạt động trao tặng nón bảo hiểm, ngày hội còn là dịp để học sinh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc đội nón bảo hiểm cũng như chấp hành tốt luật giao thông qua các trò chơi, tiết mục ca múa, diễn kịch.
Chị Minh Thảo, phụ huynh có con học lớp 2/5, cho biết: “Trẻ con đang tuổi hiếu động, nếu trên lớp thầy cô thao giảng suông về lý thuyết chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng việc cho học trò xuống sân trường, trực tiếp cầm nón bảo hiểm, hòa mình vào các trò chơi vận động. Học mà như được chơi thế này, bảo đảm trẻ nào cũng sẽ nhớ lâu”.
Một giờ học về giao thông được thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) tạo ra với không khí sôi nổi.
Một hoạt động khác vừa diễn ra cuối tuần qua tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) là “Ngày hội giao tiếp tiếng Anh” dành cho học sinh tiểu học.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là một trong những hoạt động nhằm tạo ra sân chơi cho học sinh phát triển đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh, cũng là dịp giúp phụ huynh hiểu hơn về hoạt động dạy và học tiếng Anh ở nhà trường. Buổi học được thiết kế với nhiều hoạt động sân khấu hóa sinh động như ca múa, diễn kịch, giao lưu với hoạt náo viên thông qua các trò chơi ghép hình, đoán từ, tìm tên con vật, hoa quả, phương tiện giao thông bằng tiếng Anh thông qua hình ảnh minh họa, gọi tên đồ vật giấu trong chiếc hộp bí mật, ném banh vào rổ nhựa có dán từ tiếng Anh phù hợp, truyền mật khẩu…
Cuối buổi học, mỗi học sinh còn được phát một mẫu giấy màu ghi lại tên, lớp và một câu bày tỏ cảm nghĩ sau khi trải qua các hoạt động của buổi học. Những người tổ chức chương trình hy vọng đây sẽ là cơ hội giúp giáo viên hiểu rõ hơn sở thích và nhu cầu học tiếng Anh của học sinh, đồng thời hoàn thiện hơn các phương pháp tổ chức hoạt động giảng dạy.
Phát huy tinh thần chủ động
Không đợi đến khi Thông tư 30 quy định về việc không chấm điểm học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10, từ đầu năm học 2014 - 2015 đến nay, các trường đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó ưu tiên việc tổ chức giờ học sinh động, hạn chế hoạt động truyền thụ kiến thức một chiều. Theo đó, giáo viên được toàn quyền lựa chọn hình thức truyền đạt phù hợp giúp học sinh phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc học, đáp ứng yêu cầu môn học và năng lực của từng em.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trước đây khi xét lên lớp đối với các khối 2, 3, 4 (riêng khối lớp 1, TPHCM đã thí điểm không chấm điểm từ nhiều năm trước - PV) và xét hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh khối 5 chỉ dựa hoàn toàn vào điểm số, nay sẽ đánh giá toàn diện hơn bằng nhiều yếu tố vừa điểm số vừa kết hợp đánh giá năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ giúp học sinh phát huy các điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm chuẩn bị nền tảng tốt hơn cho những cấp học sau.
Giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 bày tỏ, dù yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay được các trường thực hiện chưa đồng đều, có nơi làm tốt, nơi còn cứng nhắc nhưng nhìn chung hoạt động dạy và học ở bậc tiểu học đã được “cởi trói” rất nhiều. “Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi luôn được khuyến khích kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực ngay tại lớp học như quan sát, thảo luận, thí nghiệm, hỏi đáp, đặt vấn đề hoặc lồng ghép giờ dạy với nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa nhằm tăng thêm tính hấp dẫn, hứng thú cho học sinh.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay các trường mới ưu tiên đổi mới các môn học chính như toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, ngoại ngữ. Về lâu dài cần tính đến giải pháp cải cách đồng bộ các môn học khác như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục”, cô giáo này cho biết. Song để làm được điều đó cần tầm nhìn và sự quyết tâm của người hiệu trưởng, đồng thời sự chung tay tiếp sức cả về vật chất lẫn tinh thần của phụ huynh là hết sức quan trọng.
Minh Quân