Chiều 21-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Điểm còn gây nhiều ý kiến khác nhau chính là quy định về khống chế 15% chi phí quảng cáo, tiếp thị và giảm thuế GTGT với diện tích nhà dưới 70m².
Khống chế trần chi phí quảng cáo, tiếp thị?
Theo dự thảo Luật Thuế TNDN, phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được nâng từ 10% lên 15%. Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu (ĐB) đồng tình với dự thảo nhưng nhiều ĐB khác lại cho rằng nên bỏ mức khống chế. Các ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Minh (TPHCM) đều cho rằng nên bỏ hẳn mức trần khống chế để trao quyền chủ động cho doanh nghiệp.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, không có doanh nghiệp nào chi mà không tính toán, cân nhắc. Trong cuộc cạnh tranh giành thị phần, doanh nghiệp phải chi nhưng họ sẽ cân đối chi sao cho vẫn có lợi nhuận. Mặt khác, chi phí đó cũng sẽ là đầu vào của doanh nghiệp quảng cáo và khi có thu nhập họ cũng phải đóng thuế TNDN, GTGT. ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có ưu thế khác nhau nên không vì mức 15% mà khống chế được. Và quy định này “chỉ chết những doanh nghiệp thật thà, quy mô nhỏ và vừa khi họ cần quảng bá sản phẩm mới”.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Gòn, Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) lại đồng tình với mức trần khống chế 15%. Theo ĐB Ánh, mức khống chế 15% là hợp lý vì thực tế nhiều doanh nghiệp lợi dụng đẩy quảng cáo cao nhưng không giám sát được. Điều này dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp tìm cách hoàn thuế GTGT bất hợp lý. Và thực tế cũng chứng minh, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thường tìm cách đẩy chi phí quảng cáo lên cao, chịu lỗ 3 - 4 năm liền để chiếm lĩnh thị phần hoặc loại bỏ liên doanh trong nước.
Ở quan điểm khác, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, ông ủng hộ quan điểm khống chế mức 15% trên doanh thu chứ không trên chi phí. ĐB Trần Du Lịch cũng chia sẻ quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là về dài hạn cần bỏ quy định khống chế để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ở khía cạnh khác, liên quan đến thuế suất thuế TNDN, theo dự thảo, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Tuy nhiên, nhiều ĐB đều cho rằng quy định này không hợp lý bởi có thể doanh nghiệp có 199 người nhưng có thể tạo doanh thu 200 tỷ đồng. Do vậy, chỉ nên quy định doanh nghiệp đáp ứng một trong hai tiêu chí nêu trên là được hưởng thuế suất 20%.
Giảm thuế cho báo chí và áp dụng sớm
ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề nghị nên giảm thuế cho báo chí (báo in) để nhằm bù lỗ từ 1-7-2013 chứ không phải từ 1-1-2014. Riêng thuế TNDN cũng nên giảm thuế quảng cáo cho báo điện tử. ĐB Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị, giảm thuế 10% cho báo in là không công bằng bởi báo nói, báo điện tử cũng đang rất khó khăn. Theo ĐB này, chỉ nên thu thuế TNDN quảng cáo ở báo hình. ĐB Vũ Hải (Bình Thuận) còn bổ sung, ngoài báo in nên có thêm ưu đãi thuế cho những tờ báo đối ngoại, có nhiều nội dung giới thiệu Việt Nam ra nước ngoài.
Liên quan đến thuế TNDN với hoạt động báo chí, theo ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM), nên quy định khống chế chi phí báo biếu, báo tặng ở mức 10% bởi các báo đều làm nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin phục vụ cho đối tượng bạn đọc của mình. Đồng tình quan điểm này, theo ĐB TPHCM Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Ủy viên BCH Hội Nhà báo TPHCM, nếu quy báo biếu, báo tặng là chi phí hợp lý thì theo quy định phải có hóa đơn, chứng từ trong khi chi phí này không thể có hóa đơn chứng từ sẽ làm khó khăn cho hoạt động này.
Đề nghị kéo dài thời gian ưu đãi mua nhà
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, nhiều ĐB đồng tình quy định giảm 50% thuế GTGT đầu ra với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định chi tiết chỉ hỗ trợ “căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m² có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2” bị cho là thiếu khả thi. ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) nói: “Cứ cho rằng 70m² và 15 triệu đồng/m2 bây giờ là phù hợp nhưng tới cuối năm đã lỗi thời rồi”.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng băn khoăn: “Nếu quy định cứng 70m² sẽ có rất ít sản phẩm đã hoàn thành đáp ứng được yêu cầu. Nếu cho chia nhỏ căn hộ thì chi phí lại đội lên, khó có giá 15 triệu đồng/m². Giả sử cả hai điều kiện này đều đủ, giúp doanh nghiệp giải phóng được vốn, cứu được bất động sản nhưng các dự án sẽ phải “nạp” thêm số lượng lớn dân cư. Khi đó, hạ tầng cơ sở quá tải, ai lo? Hôm nay, nhà nước cứu doanh nghiệp, rồi không khéo nay mai người dân lại phải cứu nhà nước, thành ra vòng luẩn quẩn...”
Về thời hạn ưu đãi, theo dự thảo sẽ bắt đầu từ 1-7-2013 đến hết 30-6-2014. Song theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội): “Giảm thuế sẽ giúp rút bớt chi phí mua nhà cho người thu nhập thấp nhưng nếu chỉ áp dụng 1 năm là hơi ngắn. Đề nghị kéo dài tới hết năm 2014”. Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, ưu đãi chỉ 1 năm thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm). Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31-12-2014.
Liên quan đến khấu trừ thuế GTGT, theo dự thảo, cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 500 triệu đồng (quy định hiện hành là 200 triệu đồng) trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý. Theo các ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM), Phạm Văn Gòn, Trương Trọng Nghĩa, việc tăng từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng - gấp 2,5 lần là chưa có cơ sở và cần xem xét lại, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, chậm hoàn thuế là không hợp lý.
| |
NGỌC QUANG - BẢO VÂN - PHAN THẢO