Còn đâu rừng vàng

Cách đây hơn 10 năm, để viết loạt bài về tình trạng phá rừng tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), nhóm chúng tôi (gồm phóng viên các báo SGGP, Tuổi trẻ, TTXVN) đã lặn lội trong rừng hàng chục ngày trời, lúc thuê xe ôm, lúc lội bộ ăn ngủ trong những cánh rừng nguyên sinh để tận mắt chứng kiến đầu nậu và người làm thuê đang trực tiếp cưa cây, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Khi vụ án phá rừng tại Tánh Linh được đưa ra công luận, dư luận không khỏi bàng hoàng về mức độ tàn phá rừng tại Bình Thuận. Tuy thế, phải nói thẳng rừng vẫn còn theo đúng nghĩa của nó với mật độ các loại cây nhóm 1, nhóm 2 còn khá nhiều.

Lâm tặc khi đó cũng rất “kén cá chọn canh”, chỉ khai thác những loại gỗ quý có đường kính 0,8 – 1m. Bẵng đi vài năm, khi tham gia thông tin sự kiện bắt và chuyển đàn voi rừng tại khu vực Tánh Linh lên Đắc Lắc thì những cánh rừng rậm vài năm trước đó chúng tôi phải vất vả lắm mới lội vào được đã cơ bản được “dọn sạch”. Lâm tặc lúc này đã bớt kén chọn, chỉ cần gỗ nhóm 1, nhóm 2 có đường kính trên 40cm là khai thác. Cạn rừng, không còn đất cho voi ở là một trong những lý do chính phải chuyển đàn voi lên Tây Nguyên.

Đầu năm 2004, cũng tại khu vực các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, mặc dù rất cố gắng lội vào khu vực được gọi là rừng nguyên sinh, chúng tôi cũng không thể tìm được cây gỗ nhóm 1 hoặc nhóm 2 có đường kính trên 50cm. Một cán bộ kiểm lâm tỉnh Bình Thuận khi đó nói nửa đùa nửa thật “rừng tại đây về cơ bản đã được phá xong”, còn các lâm tặc lúc này sẵn sàng đốn bất cứ cây loại gì có đường kính trên 20cm, những cây nhỏ hơn thì đã có các hầm than khai thác. Cuối năm 2011, khi trở lại, những cánh rừng già năm xưa nay đã thành làng mạc trù phú. Rừng đang dần lùi xa.

Rừng là lá phổi của hành tinh, là nơi góp phần giữ lượng nước ngầm, bảo tồn hệ sinh thái... và nhiều giá trị khác mà rừng mang lại cho cuộc sống của mỗi con người và cho cả hành tinh này. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1997, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 08/1997/QH10 về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 73/2006/QH11.

Sau gần 15 năm thực hiện với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân, cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc kết thúc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó kết luận dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong hầu hết các báo cáo đều không thấy đề cập hoặc đề cập chưa cụ thể trong khoảng thời gian trồng 5 triệu ha rừng, có bao nhiêu hécta rừng đã bị tàn phá, có bao nhiêu diện tích rừng đang dần bị rỗng ruột (chỉ còn là rừng tạp vì các loại cây to, gỗ quý hiếm đã bị chặt đốn).

Những năm gần đây, báo chí liên tục đưa tin các vụ phá rừng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắc Lắc... với mật độ ngày càng nhiều, thậm chí ngay cả những khu bảo tồn, vườn quốc gia cũng đang bị gặm nhấm. Trong đó có khá nhiều vụ phá rừng có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương hay của cơ quan quản lý bảo vệ rừng.

Ngày 14-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã có thông báo về kết quả kỳ họp thứ 10 của ủy ban, trong đó quyết định thi hành kỷ luật ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, bằng hình thức cảnh cáo. Một trong những lý do kỷ luật là ông Lữ Ngọc Cư chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Lộc Phát khảo sát lập dự án trồng cao su tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Rõ ràng, song song với việc trồng rừng thì công tác bảo vệ diện tích và chất lượng rừng hiện hữu xem ra vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Rừng vàng biển bạc” nhưng không phải là vô tận, nếu chúng ta không biết bảo vệ hoặc bảo vệ không đúng cách thì chính chúng ta đang tàn phá đi môi trường sống của con người, nói rộng ra là đang tàn phá sự sống của hành tinh tươi đẹp này. 

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục