Cùng với đề xuất thành lập Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), tờ Daily Times của Pakistan dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, phát biểu trong một cuộc họp gần đây rằng: “Con đường tơ lụa không còn là một khái niệm trong sách lịch sử, nó đã phát triển thành một câu chuyện thời hiện đại về hợp tác Trung Quốc - châu Âu”.
Hai nhánh của Con đường tơ lụa mới do Trung Quốc khởi xướng.
Gọng kềm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
Chưa bàn đến lịch sử của Con đường tơ lụa có phải là ý tưởng xuất phát từ Trung Quốc hay không, điều dễ thấy là Trung Quốc đang tiếp tục dựa vào mô hình này để xây dựng Con đường tơ lụa thế kỷ 21, gồm hai nhánh: trên bộ và dưới biển. Nhánh trên bộ là vành đai kinh tế xuất phát từ Trung Quốc qua Trung Á xuyên qua Nga và sang châu Âu. Nhánh trên biển từ Trung Quốc qua eo biển Malacca đến Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi.
Tại Hội nghị cấp cao APEC mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ chi 40 tỷ USD cho quỹ thành lập đường tơ lụa mới để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và hợp tác công nghiệp và tài chính ở khắp châu Á.
Để hiện thực hóa, Trung Quốc đã cùng một số nước lập Ngân hàng Đầu tư châu Á cạnh tranh với cả Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với số vốn ban đầu 50 tỷ USD dành để xây dựng cảng, đường giao thông, các dự án điện và cơ sở hạ tầng khác trong khu vực.
Với áp lực từ Mỹ, nhiều nước, trong đó có Australia và Hàn Quốc, đều từ chối tham gia góp vốn vào Ngân hàng Đầu tư châu Á. Cũng do áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, WB và ADB sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy điện đốt than do lo ngại về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Mỹ lo ngại các tổ chức mới của Trung Quốc sẽ nhảy vào các dự án không có khả năng nhận nguồn tài chính từ WB hay ADB.
Daily Times cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là thông qua Con đường tơ lụa để củng cố vai trò mới nổi của mình, trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Trên hết, Con đường tơ lụa và FTAAP là hai gọng kềm cạnh tranh kinh tế, chính trị và quân sự quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.
Còn theo tạp chí The Diplomat, gần đây, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã lan sang vũ đài kinh tế và thể chế. Mỹ đang dẫn đầu việc thúc đẩy TPP không bao gồm Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng đang thực hiện một chiến lược mới để chuyển đổi sức mạnh kinh tế của mình vào vai trò lãnh đạo trong khu vực. Trung Quốc đã nhận ra rằng nước này không thể thay thế vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á mà không thông qua những hợp tác đa phương. Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc cũng sẽ không phủ nhận mọi vai trò của WB, IMF hay ADB vì họ muốn tiếp tục tranh thủ hàng tỷ USD viện trợ phát triển.
Kế hoạch Marshall mới?
Tạp chí MarketWatch của Mỹ đã so sánh Con đường tơ lụa của Trung Quốc như kế hoạch Marshall của Mỹ thời kỳ hậu Thế chiến II nhằm rót hàng tỷ USD vào việc giúp đỡ các nước Tây Âu xây dựng lại kinh tế để đổi lấy lòng trung thành của họ chống lại Cộng sản ở Đông Âu.
Nhiều học giả, doanh nhân và chính trị gia cho rằng mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đằng sau Con đường tơ lụa còn làm tăng hiệu quả sử dụng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu và làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế và thương mại với các nước ở châu Á và trên thế giới. Đem số tiền này đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại lợi ích lớn không chỉ về thương mại mà còn nhiều lĩnh vực khác so với lợi nhuận đơn thuần từ việc mua cổ phiếu của Mỹ.
Nó cũng có thể tăng tốc độ quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc có thể khuyến khích các chính phủ nước ngoài và doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư cơ sở hạ tầng với các công ty Trung Quốc phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ. Ngoài ra, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, đường sắt và các mạng viễn thông, sẽ giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các nước láng giềng và giúp nâng cao việc thực hiện chiến lược “Tây tiến”.
Theo Reuters, Trung Quốc đang xây dựng đường sắt Kazakhstan nối với Trùng Khánh và TP Duisburg của Đức, một phần của Con đường tơ lụa. Hiện nước này có hơn 240 công ty vận tải biển nhưng chỉ đóng góp 1/4 kim ngạch thương mại. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc trong tháng 9 đã đặt mục tiêu cho các công ty này đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tuyến biển chạy qua Sri Lanka dọc theo biển Đỏ và các tuyến đường hàng hải liên kết các cảng Trung Quốc như Phúc Châu và Quảng Châu với các cảng ở Indonesia, Sri Lanka, Kenya và Hy Lạp. Các công ty như China Merchants Holdings, Cosco Pacific và Công ty Xây dựng Trung Quốc… đã xây dựng hoặc quản lý khoảng 10 cảng và đã đầu tư ít nhất 5 dự án đường sắt ở Kyrgyzstan, Kenya và các nơi khác.
Ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc tài trợ 85% chi phí (gần 370 triệu USD) xây dựng giai đoạn đầu cảng Hambantota của Sri Lanka. Một tập đoàn liên danh Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng đường sắt cao tốc Ankara - Istanbul. Các TP khác của Trung Quốc như Thành Đô và Vũ Hán cũng đang có nhiều dự án kết nối với châu Âu.
Tạp chí The Diplomat nhận định: Vấn đề quan trọng là để thực hiện chính sách gây ảnh hưởng với toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả thế giới, ít nhất, Trung Quốc phải thuyết phục các nước láng giềng rằng Bắc Kinh không đe dọa đến lợi ích an ninh cơ bản của họ. Vì vậy sắp tới, Trung Quốc sẽ tối ưu hóa lợi ích ngắn hạn của mình hay hy sinh lợi ích trước mắt để theo đuổi chiến lược lâu dài? Câu hỏi này xem ra chưa có câu trả lời.
KHÁNH MINH tổng hợp