Ngay hôm đó, tôi về hỏi Bi: “Sao con lại đánh bạn, nó nói ngay: “Tại nó chảnh”. Tôi vặn con: “Nó có làm gì con đâu mà con tức”. “Bạn chảnh lắm, lúc nào cũng vênh váo, cậy nhà giàu”.
Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì từ ngày Bi còn nhỏ tôi đã rất ý thức dạy cho con không ganh đua, se sua, ai có mặc ai, cách sống của mình phải hòa đồng chân thực. Con lớn lên, tôi thấy tính cách cháu rất ổn và sống khá hồn nhiên.
Ảnh minh họa
Bây giờ con đã học lớp bảy, các con đã bắt đầu có những nhận thức và so sánh các bạn trong lớp. Tuy đến trường các con giống nhau ở bộ đồng phục, nhưng qua cách cư xử, thậm chí qua cách cha mẹ cho con tiền đã phần nào lộ rõ sự giàu nghèo ở gia đình làm ảnh hưởng đến tâm tính trẻ. Bạn gái trong lớp đi học được ba đón bằng xe hơi, cách chọn bạn chơi cũng bắt đầu tạo ra những khoảng cách. Xuất hiện sự dè bỉu, khinh, chê bạn này bạn kia.
Sự khoe khoang của một số bạn mà cha mẹ có chức vụ bắt đầu cho các con một cái nhìn phân chia đẳng cấp. Tuy chưa phải là nghiêm trọng nhưng cũng bắt dầu nhen nhóm sự thực dụng: bạn này muốn lấy lòng bạn kia, hay kinh ghét bạn kia. Tuổi này các con đã bắt đầu nhìn nhận việc cha mẹ mình có một vị trí thế nào trong xã hội. Sự hồn nhiên vô tư giữa bạn bè không còn như trước.
Có những lúc con cái sẽ phản ứng như những bất mãn đầu đời. Xã hội muôn mặt đã mở ra trước mắt các con. Cha mẹ nếu nóng vội sẽ mắng át con. Thậm chí, có khi còn “bơm” vào con những thành kiến của mình. Điều đó chỉ làm cho con cái có nhận thức lệch lạc và vô tình dẫn con có những hành động manh động như: đánh bạn, ghét bỏ hay trả thù những gì thấy bất mãn. Thực tế cho thấy, những trẻ học hành không khá, không có sự sâu sát của gia đình, thường là những trẻ dễ gây sự trong lớp, dễ hùa vào những trò bạo lực của các bạn trong lớp.
Chỉ vì một bạn gái trong lớp chảnh mà cu Bi cũng dễ nổi nóng. Nếu không cẩn thận, xung quanh Bi sẽ tụ ngay một nhóm bạn cũng ghét mấy đứa chảnh. Bệnh chảnh thì đứa con gái nào xinh, học giỏi hay con nhà giàu đều dễ mắc phải. Nếu cha mẹ không phát hiện và điều chỉnh, vô tình con dễ bị bạn khác hiềm khích. Bạo lực học đường cũng thường xuất phát từ những chuyện thật nhỏ, chẳng ai ngờ. Đừng bỏ qua những câu chuyện của trẻ khi chúng kể về bạn bè trong lớp. Vì chính từ những câu chuyên đó, ta sẽ biết con đang hình thành tính cách, đối xử với bạn, với cộng đồng.