Ấn Độ

Con không nuôi cha mẹ: phải ở tù!

Con không nuôi cha mẹ: phải ở tù!

Con cái không nuôi dưỡng cha mẹ đã lớn tuổi sẽ phải lãnh án tù. Đó là một dự thảo luật sẽ được trình để Quốc hội Ấn Độ thông qua nay mai. Dự thảo luật này phản ánh nỗi lo người cao tuổi không được chăm sóc tốt tại Ấn ngày nay, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng làm thay đổi nhiều trong xã hội đất nước Nam Á vốn từng nổi tiếng về văn hóa kính trọng người lớn tuổi này.

Giới truyền thông rất hoan nghênh với dự thảo luật trên, như tờ nhật báo Hindustan Times chạy tít trang nhất: “Luật bảo vệ cha mẹ lớn tuổi khỏi những đứa con vô ân”. Những câu chuyện con cái nhẫn tâm đối với cha mẹ lớn tuổi thường xuất hiện trên các tờ báo Ấn, cũng làm rõ nét sự rạn vỡ những giá trị truyền thống khi Ấn đang trên đường hiện đại hóa. Những câu chuyện  ông bà cụ 91 tuổi bị cháu nội đuổi ra khỏi nhà xảy ra như cơm bữa, hoặc những cụ bà sau khi xuất viện bị con cháu bỏ mặc, do chúng không còn muốn đem họ về nhà nuôi dưỡng nữa!

  • Mặt trái của một xã hội hiện đại
Con không nuôi cha mẹ: phải ở tù! ảnh 1

Một người già bị con cái bỏ rơi ngoài đường

Tuy nhiên, cũng có ý kiến dự thảo luật chỉ nhằm né một vấn nạn nghiêm trọng hơn: không phải con cái không còn muốn chăm sóc cha mẹ già, nhưng vì họ không có khả năng. Hơn 90 % số người cao tuổi không được hưởng trợ cấp và đa số sống lệ thuộc con cái.

Dự thảo luật không giải thích những người con đang chật vật tài chính làm sao có thể tìm ra nguồn thu nhập khác để nuôi cha mẹ. Đó là một mặt trái của Ấn Độ hiện đại. Thực tế là trên toàn Ấn, lớp trẻ đang rời bỏ mái ấm gia đình lên thành phố kiếm việc làm tốt hơn và sống trong những căn hộ nhỏ ở chốn đô hội, nơi họ không thể đem cả gia đình đến sống cùng.

Trên lý thuyết thì phụ huynh có thể kiện con cái ra tòa về việc không nuôi dưỡng họ, nhưng những chuyện kiện cáo ấy nếu có thì việc xử lý cũng chậm chạp và kéo dài (có khi người đâm đơn kiện đã qua đời). Aabha Chaudhary của tổ chức nghiên cứu chuyện người già bị con cái bỏ rơi ở ba bang, nói ông không nghĩ Ấn sẵn sàng đón nhận ý tưởng cha mẹ đưa con cái ra tòa.

  • Cấu trúc gia đình đang thay đổi

Theo một thăm dò, số nhân khẩu trong một gia đình Ấn đã giảm còn 6 từ năm 1981 và còn 4 năm 2001. Trong khi đó, tuổi thọ của khoảng 80 triệu người từ 60 tuổi trở lên ngày càng tăng, điều có nghĩa rất ít con cái chăm sóc cha mẹ trong thời gian dài.

Dự thảo luật cũng nêu sẽ xây thêm nhiều viện dưỡng lão. Ấn hiện chỉ có 3.000 nơi chăm sóc người già, đa số là do con cái theo nếp sống phương Tây đưa cha mẹ đến đó để họ được rảnh tay! Phần giới thiệu dự thảo luật cũng nêu “trong hệ thống gia đình đang bị thu hẹp dần dần, một số lớn phụ huynh nay bị xem là một gánh nặng của con cái, có thể phải chịu đựng sự bỏ rơi và hành vi bạo lực và không còn được con cái nuôi dưỡng nữa. Rõ ràng là con cái phải thể hiện trách nhiệm đối với cha mẹ đã lớn tuổi”.
 
Gitanjali Prasad, tác giả cuộc nghiên cứu “Đại gia đình Ấn” xuất bản năm 2006 nói cấu trúc gia đình Ấn đang thay đổi nhanh: “Do sự xuất hiện mô hình lao động kiểu phương Tây, Ấn đang trở thành một xã hội mà người ta thường không thể có thời gian chăm nom cha mẹ đã lớn tuổi. Việc này trước đây không có, khi người ta có gia đình lớn và luôn có ai đó giúp một tay. Hệ thống này không hoàn hảo, luôn có những bất đồng, nhưng thậm chí nếu bạn không còn yêu thương một ai nữa trong gia đình, bạn vẫn phải chăm sóc họ”.

Diên Hy (theo New York Times)

Tin cùng chuyên mục