Mỹ phẩm Việt Nam

Còn thiếu thương hiệu

Còn thiếu thương hiệu

Vào siêu thị bây giờ khu vực thu hút khách hàng trẻ đến nhiều nhất chính là nơi bán mỹ phẩm. Có quá nhiều loại mỹ phẩm, với nhiều nguồn gốc khác nhau cho bạn lựa chọn, từ các loại dầu gội đầu đến nước hoa dành để cạo râu đến từ nhiều nước. Trong khi đó, vị trí của mỹ phẩm Việt Nam dường như vẫn còn khiêm tốn trên thị trường.

Còn thiếu thương hiệu ảnh 1

Khách hàng chọn sản phẩm tại quầy mỹ phẩm trong siêu thị Lãnh Binh Thăng. Ảnh: P.N.

Không còn cái thời phải dùng một loại mỹ phẩm hay chất tẩy rửa cho nhiều mục đích khác nhau mà dường như từng bộ phận trên cơ thể con người đều có các loại mỹ phẩm chăm sóc riêng biệt. Chỉ riêng đối với mặt hàng dầu gội đầu, cũng khó có thể nhớ hết tên nhãn hiệu, với các công dụng khác nhau từ trị gàu đến dưỡng ẩm tóc và da đầu, tăng cường độ ẩm cho tóc…

Riêng hãng Unilever đã có đến hàng chục loại dầu gội đầu với những tên gọi khác nhau, và được gắn tên gọi với những chất thiên nhiên phối chế trong dầu. Còn cây lăn nách để khử mùi thì có biết bao nhiêu loại, chất đầy trên kệ trong các siêu thị; kem dưỡng da bình dân trong siêu thị có Nivea, Pond’s và rất nhiều tên tuổi khác…

Các hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới từ Á sang Aâu đều đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều hãng đã có những cửa hàng theo chuẩn hệ thống nhận diện thương hiệu của họ trên toàn thế giới, chiếm những vị trí đẹp nhất tại trung tâm thành phố, hoặc có mặt tại các gian hàng của riêng họ trong các trung tâm thương mại cao cấp Diamond, Parkson, Melinh Point… Những loại mỹ phẩm trang điểm và dưỡng da có Shiseido, Kiss me, Lancome, L’Oreal, Cle de Peau, Clarins, O Hui, Avon, DeBond, Channel… Còn nước hoa thì khó có thể kể hết tên, từ Channel, CK, Tommy, Drakkar Noir, Chistan Dio, Gucci, Gio, Pierre Cardin, Hugo Boss, Polo, Lacoste, Moschino, Roberto Cavalli...

Vậy trong một rừng hàng mỹ phẩm này thì các mỹ phẩm của Việt Nam đứng ở vị trí nào?

Không kể đến một số mỹ phẩm là chất tẩy rửa như các loại đầu gội đầu, dầu tắm, một số sản phẩm kem dưỡng da và trang điểm của các công ty nước ngoài như Unilever, DeBond, Kao…, các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước dường như còn khiêm tốn. Đã có thời một số sản phẩm chất tẩy rửa và mỹ phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như Daso, Thorakao, Lan Hảo, Như Ngọc, Mỹ phẩm Sài Gòn… nổi đình nổi đám và được người tiêu dùng ưa chuộng, được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Nhưng khi kinh tế phát triển, nhu cầu đòi hỏi cao, nhiều thương hiệu đã tự tiêu diệt, nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất chất tẩy rửa là chính.

Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp trong nước đã cố gắng nghiên cứu đưa ra các mỹ phẩm phục vụ nhu cầu dưỡng da, nước hoa, dầu gội đầu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới thành lập sản xuất mỹ phẩm cũng nhiều hơn, được hỗ trợ bằng các công nghệ ở nước ngoài, có bao bì đẹp và bắt mắt.

Trong đó nổi lên là kem dưỡng da của Thorakao và Lana, với khá nhiều sản phẩm được chú ý nhờ dùng nguyên liệu là các loại cây dược liệu trong nước như kem nghệ, mặt mạ dưa leo hay cà rốt, kem dưỡng da tay…, nhưng nhìn chung do chưa có tên tuổi nên giá rất rẻ. Đáng chú ý là sự cố gắng vươn lên của Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, vừa tập trung đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất mới, vừa quảng bá xây dựng thương hiệu. Sản phẩm nổi tiếng nhất của Mỹ phẩm Sài Gòn là nước hoa Miss Saigon (Elegance).

Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Đông Aâu và trong nước cũng chiếm một thị phần đáng kể. Kiểu dáng chai nước hoa Miss Saigon là cô gái mặc chiếc áo dài và đội nón lá cùng hình ảnh quảng bá của người mẫu Ngọc Thúy… đã tạo ấn tượng đẹp với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mỹ phẩm Việt Nam điểm lại chỉ có vậy, quá khiêm tốn. Các doanh nghiệp cũng chưa có hệ thống cửa hàng chuẩn cao cấp mà chủ yếu bán trong các siêu thị một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Hàng mỹ phẩm không chỉ là sản phẩm có chất lượng cao mà còn là phương tiện thể hiện đẳng cấp của mình.

Mỹ phẩm sản xuất trong nước còn đơn điệu, các công tác quảng bá thương hiệu chưa tốt. Đây chính là một sự thiệt thòi cho mỹ phẩm Việt Nam, bởi vì kinh tế càng phát triển, cuộc sống người dân được nâng cao, người ta càng có nhu cầu làm đẹp và hưởng thụ cảm giác đẳng cấp cao của mình thông qua mùi hương, tên tuổi sản phẩm mà mình đang dùng… Đó cũng là hướng phát triển của ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam.

NGUYỄN THY

Tin cùng chuyên mục