Công an phường “Tây ba lô”

Công an phường “Tây ba lô”

Phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM được mệnh danh là phường “Tây ba lô” bởi có nhiều khách du lịch nước ngoài. Những “phố Tây”, “ngã Tư quốc tế” đã có từ trước giải phóng nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, không khí trở nên nhộn nhịp, sầm uất hơn.

Du khách trên đường Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Du khách trên đường Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Dân thường trú ở phường khoảng 20.000 người nhưng khách du lịch thì có năm lên đến hơn 500.000 người. Nói là khách Tây nhưng là người tứ xứ, có cả Á, Âu, Phi, Mỹ. Phần lớn là du lịch kiểu “Tây ba lô”, giá rẻ vào loại nhất thế giới, có những mặt hàng, dịch vụ giá rẻ như phục vụ cho “ta ba lô”. May quần áo có thể lấy trong ngày. Giặt, ủi, hấp, tẩy quần áo lấy nhanh mà không đắt. Bia tươi có giá 8.000 đồng một ly. Thức ăn nhanh có giá khá là bình dân.

Hoạt động ở phường, ngày và đêm gần như nhau, có thể nói gần như là 24/24 giờ. Các dịch vụ ở, ăn, giải khát, đi lại, tour du lịch… diễn ra, nhiều khi là về đêm. Người dân địa phương đã quen và thích ứng với những dịch vụ này và có phong cách thân thiện, dễ hòa đồng, dễ bắt chuyện. Bộ máy quản lý cũng luôn hướng đến sự phục vụ sao cho tốt hơn, đúng cách, được việc, gắn bó với dân và lịch sự với khách.

Trụ sở UBND phường khá khang trang, nơi tiếp dân và giải quyết các vấn đề của dân có xếp hàng tự động, có bảng điện tử để dân “chấm điểm” cán bộ, công chức về thái độ ứng xử và kết quả giải quyết công việc. Tất cả cán bộ hưu trí - khoảng 1.500 người đều nhận lương hưu qua thẻ ATM nên không bị tập trung quá đông ở phường vào những ngày đầu tháng. Đối với những người thuộc diện chính sách, có công, sức khỏe yếu, phường cử người đến phát trực tiếp.

Bí thư Đảng ủy phường Thái Thị Ngọc Điệp cho biết, phường còn tổ chức những lớp học tiếng Anh miễn phí vào giờ giấc phù hợp cho cán bộ ở phường, cán bộ ở tổ dân phố và cho cả những tài xế “xe ôm”. Trưởng công an phường - Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa cho biết, công an phường có hơn 30 người, tổ chức trực 3 ca, phối hợp với các lực lượng tuần tra, giữ gìn trật tự, đăng ký lưu trú… Trụ sở công an phường vào ban đêm luôn sáng đèn. Địa bàn phường có khoảng 1.500 chỗ cho thuê. Khách lưu trú vài đêm, có khi vài tháng. Công an phường, phần lớn là các chiến sĩ trẻ, tuy có áp lực về công việc nhưng chịu khó, nhẫn nại, có chí và có nhiều cố gắng, hầu hết được đào tạo bài bản. Trong số này có khoảng phân nửa biết ngoại ngữ, có người biết 4 ngoại ngữ. Nhiều thông báo, cảnh báo của công an phường có cả tiếng Việt, tiếng Anh. Trưởng công an phường có bằng đại học cảnh sát, cử nhân luật, cao cấp chính trị, Anh văn trình độ B, vi tính bằng B và quan trọng là có tinh thần trách nhiệm. Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa cho rằng, ở phường có nhiều áp lực về thời gian, tính phức tạp về trật tự đô thị và an toàn xã hội nhưng có khi nơi khác còn chờ việc, còn ở đây thì được làm việc là hạnh phúc rồi. Sự trưởng thành trong công việc, ở môi trường có nhiều thử thách và đòi hỏi sự vươn lên không ngừng này cũng là cơ hội để thử sức, để trưởng thành mà không phải nơi nào cũng có được.

Các chiến sĩ công an luôn được nhắc nhở về điều lệnh, giờ giấc, cách nói năng, cách ứng xử với dân sao cho giữ được sự lịch sự nhưng cũng phải thể hiện sự uy nghiêm, không nhu nhược. Cái gì nhắc nhở người dân chấp hành, cái gì xử phạt hành chính… cho đúng luật. Đầy rẫy những cám dỗ, những khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải cảnh giác, phải đối diện và xử lý kịp thời, nhưng hơn hết là phải không ngừng học tập, rèn luyện và biết dựa vào dân. Đã có nhiều việc làm thiết thực để người dân cùng tham gia quản lý như cho số điện thoại nhà liền kề, sổ thông tin hai chiều, triển khai các nội dung tuyên truyền và phối hợp với các lực lượng, các ban ngành, mặt trận và đoàn thể…

Có lẽ cần có những đề xuất cụ thể hơn từ thực tiễn của phường như quy chế quản lý người nước ngoài, như biên chế sao cho đảm bảo công việc cùng những chính sách đặc thù, cũng như xử lý những vấn đề trật tự lòng lề đường, tệ nạn từ nơi khác đến… Đồng chí Trưởng công an phường cho rằng, mặc dù không có chính sách đặc thù, tiền trực đêm, các chế độ cũng như những nơi khác nhưng niềm động viên lớn nhất là các chiến sĩ được dân thương, dân tin, nhiều khách du lịch đã quay trở lại khu vực này và còn giới thiệu cho nhiều khách mới.

Dấu ấn của phường “Tây ba lô” là dân tươi cười, lãnh đạo có trách nhiệm, cán bộ chiến sĩ công an thân thiện, khách đa thành phần, đa quốc gia, đi lại, sinh hoạt nhộn nhịp, giá cả phải chăng, nơi mà mọi người luôn hướng đến và cùng nhau xây dựng môi trường văn minh, hiện đại.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục