Công bằng, thực chất khi vinh danh

            

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa công bố danh sách 42 trường hợp được đề nghị phong Anh hùng lao động trong năm 2015 do những thành tích xuất sắc, để lấy ý kiến nhân dân đối với các trường hợp này. Dư luận đã thực sự quan tâm và có phản hồi, tuy không nhiều thư phản hồi qua hộp thư góp ý chính thức, nhưng trên các diễn đàn mạng xã hội đã có nhiều ý kiến bức xúc, chưa đồng tình với việc đề nghị phong Anh hùng lao động cho một vài tập đoàn, đơn vị từng báo cáo lỗ do hiệu quả hoạt động kinh tế kém, thiệt hại lớn do đầu tư trái ngành…

Theo quy định của Điều 61 Luật Thi đua - Khen thưởng, “danh hiệu Anh hùng lao động được tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nội bộ đoàn kết tốt, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh”. Do vậy, việc nhận xét đề nghị phong Anh hùng lao động hợp lý hay không, xứng đáng hay không; không thể bằng cảm tính, mà phải xem xét trên cơ sở có đủ luận chứng rõ ràng và công khai hay không, có đúng quy trình và đúng Luật Thi đua - Khen thưởng không và việc đánh giá thành tích có tiếp cận từ nhiều phía hay không? Thế nên, trên tinh thần thực sự cầu thị lấy ý kiến nhân dân, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần phải thuyết phục được dư luận bằng việc thông tin cụ thể hơn về thành tích của các cá nhân và tập thể được đề nghị phong Anh hùng lao động, đánh giá từ cái nhìn toàn diện và công bằng về những đóng góp trong sự phát triển chung.

Nhiều ý kiến lưu ý, để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế của một tập đoàn không phải chỉ là mức lợi nhuận, mức nộp ngân sách, mà cần đặc biệt chú trọng hiệu quả góp sức cho chiến lược phát triển kinh tế đất nước, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Qua đó, cho thấy chuyện dư luận đang bàn tán về đề nghị phong Anh hùng lao động năm nay không phải là chuyện “ghen ăn, tức ở” đối với cá nhân nào, hay tập thể nào được đề nghị, mà là muốn rằng việc vinh danh đảm bảo công bằng, đúng thực chất. Thực tế trong thời gian qua đã có trường hợp được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, nhưng rồi sau đó mới phát hiện là khai gian thành tích và phải thu hồi danh hiệu. Thế nên việc công khai đề nghị vinh danh để lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết, nhằm tránh có những trường hợp được vinh danh mà không xứng đáng. Cách thức lấy ý kiến nhân dân cũng không thể chỉ qua hình thức hộp thư góp ý, mà còn cần chú ý lắng nghe, tiếp nhận dư luận từ nhiều nguồn khác. Nghị quyết Trung ương 4 của BCH Trung ương Đảng khóa XI khi đánh giá những khuyết điểm, yếu kém của công tác xây dựng Đảng có nêu: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, huân chương chưa được đẩy lùi”. Từ đó đến nay, dư luận vẫn đòi hỏi công tác thi đua - khen thưởng phải thực sự công tâm, công bằng, khách quan, vô tư, không vụ lợi…  Khi đã xét khen thưởng thì phải kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích, như vậy mới tạo động lực cho phong trào thi đua.

          HUỲNH THANH LUÂN        

Tin cùng chuyên mục