Công bằng xã hội

Vừa qua, ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cuộc thảo luận trực tuyến với những độc giả quan tâm về các sáng kiến giúp Việt Nam xây dựng một xã hội công bằng, văn minh trong 20 năm tới.

Các ý kiến trao đổi ghi nhận việc Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới mà không gây ra phân hóa giàu nghèo quá lớn - một thành tích mà rất ít các nước ở trình độ phát triển tương đương như Việt Nam có thể làm được. Song các chuyên gia cũng chỉ rõ những thách thức đã và đang xuất hiện ở môi trường trong nước và quốc tế; từ việc chuyển đổi nhanh về nhân khẩu học, thách thức y tế mới từ các bệnh không lây nhiễm và nhu cầu an sinh xã hội, kỳ vọng của người dân đối với nhà nước ngày càng tăng...

Theo ông Đặng Nguyên Anh, có ba thách thức về thể chế lớn nhất ngăn cản sự hòa nhập xã hội. Thứ nhất là sự phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế mà lẽ ra phải được xóa bỏ từ lâu. Cơ chế ưu đãi doanh nghiệp nhà nước trong giao đất, vay vốn, tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế đầu tư vào những lĩnh vực kém hiệu quả đã dẫn đến tình trạng làm giàu cho một số cá nhân, nhóm lợi ích trong khi không tạo ra nhiều việc làm cho người dân, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng nhanh. Thứ hai, Việt Nam chưa có sự can thiệp kịp thời đối với vấn đề chênh lệch giàu nghèo gay gắt hiện nay.

Số liệu thống kê cho thấy 10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4% thu nhập và chi tiêu quốc gia, trong khi con số này với nhóm 10% dân số giàu nhất là 30%. Chênh lệch giữa hai nhóm này về thu nhập là 8 lần. Bên cạnh đó, chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị cũng đang gia tăng nhanh và chưa được điều chỉnh hiệu quả.

Thực trạng này khiến cho lao động nông thôn bỏ quê hương đồng ruộng ra thành phố kiếm sống và gia nhập đội quân nghèo đô thị. Thứ ba, hiện tượng không công bằng trong việc sử dụng nhân tài cũng là một cản trở lớn đối với hòa nhập xã hội. Điều này làm thui chột tính tích cực xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc, mất lòng tin trong xã hội.

Trong khi đó, ông Gabriel Demombynes cho rằng, tham nhũng là một trở ngại đối với thực hiện mục tiêu hòa nhập xã hội ở nhiều phương diện. Theo chuyên gia này, việc đòi hối lộ khiến cho chỉ có những người có tiền hối lộ mới được tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục. Việc tham nhũng của công làm giảm nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình xã hội. Khi người dân cảm nhận rằng một số người có được địa vị hay của cải do tham nhũng thì niềm tin đối với thể chế nhà nước sẽ bị giảm sút, từ đó gây ra bất ổn xã hội.

Một trong những giải pháp quan trọng được các chuyên gia khuyến nghị là đóng góp nhiều hơn từ người giàu thông qua hệ thống thuế thu nhập và tài sản. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nỗ lực thật sự để tạo cơ hội cho tất cả các thành viên trong xã hội đều có tiếng nói; đồng thời chú trọng các chính sách giúp mọi người ứng phó với rủi ro một cách hiệu quả (chẳng hạn bằng cơ chế bảo hiểm xã hội)... Và tất nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được tiếp tục quyết liệt hơn nữa. Chỉ bằng những giải pháp đồng bộ như vậy, Việt Nam mới có thể hy vọng đảm bảo công bằng xã hội vào năm 2035 như mục tiêu đề ra.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục