Ngay trong ngày đầu năm mới 2013, người đứng đầu Chính phủ đã có bài viết đăng trên các phương tiện truyền thông, tỏ rõ quyết tâm khắc phục những yếu kém, vượt qua thử thách để thực hiện bằng được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm nay (Bài: Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bền vững - Báo SGGP đăng ngày 2-1-2013). Trong bài viết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn thẳng một lực cản chủ quan cần giải quyết: “Có thể chế và chính sách tốt là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Thể chế và chính sách được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Phải kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu”.
Bức xúc này là có cơ sở, bởi trước đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhận định: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào!”.
Từ thông điệp của Chính phủ, các ngành chức năng đã vào cuộc, tổ chức các đợt chấn chỉnh tác phong, cách thức làm việc và việc chấp hành giờ giấc của cán bộ công chức. Thậm chí ngay từ những ngày làm việc đầu năm sau khi nghỉ Tết Âm lịch, đích thân lãnh đạo một số tỉnh thành đã vi hành cơ sở, đến các quán xá trong giờ hành chính để “điểm danh” các công chức bỏ nhiệm sở, với lời chào lịch sự “Xin lỗi anh, anh công tác ở cơ quan nào?”, sờ gáy tại chỗ việc các công bộc của dân ăn cắp giờ công la cà hàng quán!
Thực ra, vấn nạn hành chính hiện nay không chỉ là việc chấp hành giờ giấc làm việc, đi trễ về sớm để dân chờ, mà chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức đã đến mức báo động. 2 sự kiện mới đây là việc công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh thành cả nước (PCI) năm 2012 và Hội nghị đánh giá 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều có mẫu số chung: Năng lực cạnh tranh ngày càng sụt giảm, tính minh bạch thấp; doanh nghiệp mất niềm tin, khó tiếp cận với các cơ hội đầu tư; thủ tục hành chính rườm rà, nặng nề... Cụ thể hơn, tại hội thảo “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đã công bố: Có đến 44% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức cho cán bộ công chức để “được việc”. Còn theo khảo sát xã hội học về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ chủ trì, kết quả có trên 80% số người dân coi tham nhũng trong phạm vi cả nước là phổ biến và nghiêm trọng!
Vì sao? Báo cáo của VCCI cho biết: Có đến 63% doanh nghiệp cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục mà cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết; 28% cho rằng công chức dựa vào các quy định không chặt chẽ, suy diễn để bắt bí doanh nghiệp... Thông tin tại hội nghị toàn TP Hà Nội về công tác cải cách hành chính mới đây càng làm cho nhiều người sốc và... chưng hửng.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phản ánh: Để có thư cảm ơn, trả lời Bí thư kiêm Đô trưởng TP Vientiane nhân dịp kỷ niệm quan hệ hữu nghị hợp tác hai thành phố, các cơ quan soạn trình thư cảm ơn thiếu 1 ngày là tròn 1 tháng, do Văn phòng UBND TP làm chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày. Năm 2012, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Hà Nội lập hẳn một ban chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI, mục tiêu là phải tăng lên được 10 bậc, nhưng kết quả năm 2012 giảm đến 15 bậc (xếp 51/63 tỉnh thành). Cũng tại hội nghị trên đã công bố kết quả điều tra xã hội học, cho thấy chỉ có 52,4% công chức được đánh giá có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình khi làm việc; chỉ 26,2% cán bộ công chức đạt mức độ dân hài lòng, thực thi tốt công vụ.
Định danh, định vị chức năng cán bộ công chức với vai trò là công bộc của nhân dân đã rõ, nhưng với những vấn đề nêu trên không dễ trả lời câu hỏi: Công chức làm gì, vì sao họ không thực hiện tốt chức trách? Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2013 cho biết: Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao; nhiều ngành có mức tăng trưởng thấp; lạm phát được kiềm chế song chưa vững chắc; lãi suất còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp...
Trong bối cảnh ấy, để vượt thoát khó khăn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2013 càng đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực gấp bội của đội ngũ cán bộ công chức trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo bệ đỡ phát triển kinh tế - xã hội.
Và lúc này rất cần thiết phải thể hiện, thực hiện điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trăn trở trong bài viết đầu năm: “Cán bộ công chức phải nhận thức rõ trong mối quan hệ công vụ, người dân là chủ thể quyền, còn cán bộ công chức là người thực thi trách nhiệm, là người phục vụ dân. Các bộ ngành, địa phương phải giám sát chặt việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ công chức thuộc ngành, địa phương mình” (bài đã dẫn).
LÊ TIỀN TUYẾN